Đại sư Ngẫu Ích là Tổ liên Tông thứ chín, người đời Thanh, họ Chung, nhà ở Ngô Huyện. Thân phụ thọ trì chú Ðại Bi và Phẩm Phổ Môn. Ngày nọ cụ mộng thấy đức Quán Âm Ðại Sĩ trao cho một đứa bé trai mà sanh ra ngài.
- Liên Tông Sơ Tổ: Đại sư Huệ Viễn.
- Liên Tông Nhị Tổ: Đại sư Thiện Đạo.
- Liên Tông Tam Tổ Đại sư Thừa Viễn.
- Liên Tông Tứ Tổ: Đại sư Pháp Chiếu.
- Liên Tông ngũ Tổ: Đại sư Thiếu Khang.
- Liên Tông Lục Tổ: Đại Sư Vĩnh Minh.
- Liên Tông Thất Tổ: Đại sư Tỉnh Thường.
- Liên Tông Bát Tổ: Đại sư Liên Trì.
Thuở niên thiếu ngài học Nho, từng viết sách bác Phật. Sau nhân xem bộ Trúc Song Tùy Bút Lục của Liên Trì Ðại Sư, liền đốt quyển sách của mình viết. Năm hai mươi tuổi, ngài đọc kinh Ðịa Tạng Bản Nguyện phát ý xuất trần, mỗi ngày hằng niệm Phật. Niên hiệu Thiên Khải năm đầu ngài hai mươi bốn tuổi. Sau khi nghe một Pháp Sư giảng kinh, bỗng phát nghi tình, dụng công tham cứu. Ít lâu sau, được tỏ ngộ, liền đóng cửa nhập thất ở Ngô Giang.
Thời kỳ ấy ngài đau nặng, mới quyết chí niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ. Bịnh vừa bớt, liền kết đàn trì chú Vãng Sanh một thất, đốt ba liều nơi cánh tay, thề phát lòng Bồ Ðề cầu sanh Cực Lạc, để mau chứng đạo quả, sớm độ chúng hữu tình.
Đại sư Ngẫu Ích
Về sau, Ðại Sư trụ trì trải qua các nơi: Ôn Lăng, Chương Châu, Thạch Thành, Thánh Khê, Trường Thủy và Tân An, rộng truyền giáo pháp Thiên Thai và môn Niệm Phật. Thời bấy giờ, những nhà tu Thiền ở các nơi, phần đông cho pháp môn Tịnh Ðộ là quyền giáo; Khi gặp người niệm Phật, tất bảo tham cứu chữ Thùy. Riêng Ðại Sư lại nhận định pháp Trì Danh chính là tâm tông viên đốn.
Có ông Trác Tả Xa, một nhà tu Thiền, đem những huyền lý bên Thiền gạn hỏi Tịnh Ðộ. Ngài liền trả lời một cách thỏa đáng. Sau đó, Ðại Sư về dưỡng lão ở Linh Phong. Bình thời, Ðại Sư từng khai thị rằng: “Pháp môn Tịnh Ðộ không có chi lạ kỳ đặc biệt. Yếu điểm chỉ là tin sâu, nguyện thiết và gắng sức thật hành mà thôi.
Phật dạy: “Nếu người nào chuyên niệm A Di Ðà, chính là Vô thượng thâm diệu Thiền”. Trí Giả đại sư bảo: “Niệm Phật tam muội là vua trong các môn tam muội”. Tổ Vân Thê cũng nói: “Một câu A Di Ðà Phật bao trùm tám giáo, tròn nhiếp năm tông”. Ðáng tiếc người thời nay xem niệm Phật là cạn cợt tầm thường, bảo đó là công hạnh của hạng ngu phu, ngu phụ. Bởi thế nên lòng tin không chắc, chẳng gắng sức thật hành, trọn ngày lơ là, công phu khó thành tựu.
*
Có kẻ lại lập phương tiện khéo bảo: “Muốn đi sâu vào Niệm Phật tam muội phải tham cứu chữ Thùy”. Họ đâu biết rằng: Một tâm niệm hiện tiền, vốn đã tự rời tứ cú, tuyệt bách phi, chẳng cần phải tác ý rời và tuyệt. Một câu niệm Phật hiện tại cũng vốn vượt tình lìa kiến, cần chi nói diệu, nói huyền? Chỉ quý tin cho chắc, giữ cho vững, rồi buông bỏ hết mà niệm. Hoặc mỗi ngày đêm niệm một muôn, ba muôn, năm muôn, bảy muôn, mười muôn câu.
Lấy sự nhất định không thiếu làm tiêu chuẩn. Như thế quyết giữ đến suốt đời, thề không biến đổi. Và nếu đúng như thế mà không được vãng sanh thì chư Phật trong ba đời đều thành vọng ngữ. Một khi được về Cực Lạc, vĩnh viễn không còn thối chuyển, tất cả pháp môn đều lần lượt hiện tiền. Rất kiêng kỵ kẻ không có chủ trương, nay vầy mai khác. Khi gặp nhà thuyết giáo thì muốn tầm chương trích cú, học luật học kinh. Gặp người tu Thiền lại mong tham cứu thoại đầu, theo cơ phong chuyển ngữ. Gặp bậc trì luật, ưa thích ôm bát khất thực, tu hạnh đầu đà. Thế nên sự sự không rồi, điều điều chẳng trọn.
Ðâu biết rằng khi câu Phật hiệu niệm được thuần thục thì ba tạng, mười hai phần kinh gồm ở trong đó; Một ngàn bảy trăm công án, cơ quan hướng thượng đều ở trong đó; Ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, tam tụ tịnh giới cũng ở trong đó.
Đại sư Ngẫu Ích khai thị
Người chân thật niệm Phật, buông bỏ cả thân tâm thế giới là đại bố thí. Niệm Phật không khởi tham sân si là đại trì giới. Niệm Phật không quản nhơn ngã thị phi là đại nhẫn nhục. Niệm Phật không gián đoạn, không tạp vọng là đại tinh tấn. Niệm Phật không còn mộng tưởng thô tế là đại thiền định. Niệm Phật không bị các pháp khác mê hặc cuốn lôi là đại trí huệ.
Thử kiểm điểm lấy mình, nếu chưa quên thân tâm thế giới, chưa dứt niệm tham sân si, chưa tuyệt lòng thị phi nhơn ngã, chưa hết gián đoạn tạp vọng, chưa trừ vọng tưởng bông lông, chưa khỏi bị pháp khác cuốn lôi mê hoặc thì chưa phải là người chân thật niệm Phật. Nếu muốn đến cảnh giới Nhất Tâm Bất Loạn, cũng không có cách gì lạ. Khi mới tập niệm, dùng chuỗi ký số rành rẽ và khắc định thời khóa đừng để cho thiếu sót. Như thế lâu ngày, công phu tự thuần thục, không niệm mà vẫn tự niệm. Chừng đó, muốn ký số hay không ký số cũng được.
Nếu bước đầu, vội muốn lộ vẻ mình hay giỏi, muốn tỏ ra không trước tướng, muốn học lối viên dung tự tại, rốt cuộc niệm lực khó thành. Ðây tổng yếu bởi tin chưa sâu, thực hành chưa hết sức. Người như thế, dù cho giảng thông thuộc ba tạng mười hai phần kinh; Thấu suốt một ngàn bảy trăm công án, cũng đều là việc bên bờ sống chết luân hồi mà thôi. Kẻ ấy đến lúc lâm chung, quyết định không dùng chi được!”…
Trước thuật của Đại sư Ngẫu Ích
Bình sanh, Sư lấy việc xem kinh tạng, trước thuật làm sự nghiệp, đã để lại cho đời những tác phẩm nổi tiếng như: Kinh A Di Đà yếu giải 1 quyển, kinh Phạm võng huyền nghĩa 1 quyển. Bồ Tát giới bổn tiên yếu 1 quyển, kinh Pháp Hoa huyền nghĩa tiết yếu 2 quyển. Kinh Pháp Hoa hội nghĩa 16 quyển, kinh Lăng Nghiêm huyền nghĩa 2 quyển. Kinh Lăng Nghiêm văn cú 10 quyển, Duyệt tạng tri tân 44 quyển. Pháp hải quán lan 5 quyển, Chu dịch thiền giải 10 quyển…
Tổng cộng hơn 40 bộ và trên 230 quyển. Trong đó có một bộ “Tập lục” nói về pháp ngữ, vấn đáp, tự thuyết, thi kệ… của Đại Sư mà soạn thành “Linh Phong Ngẫu Ích đại sư tông luận”. Tất cả những luận điểm của ngài đều sưu tập từ trong bộ Tông luận này. Ngoài ra, Đại Sư còn phát huy trước tác hơn mười bộ kinh luận; Dùng văn tự Bát Nhã làm công cụ độ người, như nước trăm sông đổ về biển cả. Bút pháp của ngài trang nhã sâu sắc, đúng là một bậc tài đức vẹn toàn.
Vãng sanh Cực Lạc
Năm Thuận Trị thứ hai, vào cuối Ðông, Ðại Sư cảm bịnh nhẹ. Ngài di chúc mọi việc và dặn các đệ tử: Sau khi trà tỳ, phải tán nhuyễn xương trộn với bột hòa thành viên, chia thí cho loài cá chim để kết duyên Tịnh Ðộ với chúng. Sang đầu năm, ngày 21 tháng Giêng. Ðại Sư sáng dậy sớm, sắc diện tươi khoẻ như người không bịnh. Ðến đúng Ngọ, ngài đoan tọa trên giường, xây mặt về Tây, chắp tay niệm Phật mà tịch, thọ được 57 tuổi.
Ba năm sau, các môn nhơn hội lại, định y pháp làm lễ trà tỳ. Lúc mở bảo tháp ra, thấy toàn thân Ðại Sư vẫn còn nguyên vẹn; Tóc ra dài phủ hai tai, sắc mặt tươi tỉnh như sống. Ðại chúng không nỡ tuân lời di chúc, xây tháp thờ toàn thân ở chùa Linh Phong.
Ngẫu Ích Đại Sư Pháp ngữ
Ngẫu Ích Đại Sư Pháp ngữ: 1.
“Người tín nguyện trì danh, nếu nghiệp chướng tiêu trừ, mang nghiệp vãng sanh thì liền sanh cõi Phàm Thánh Đồng Cư tịnh độ. Người tín nguyện trì danh, nếu đoạn tận kiến hoặc, tư hoặc mà vãng sanh thì liền sanh cõi Phương Tiện Hữu Dư tịnh độ. Người tín nguyện trì danh, nếu phá trừ một phần vô minh mà vãng sanh thì liền sanh cõi Thật Báo Trang Nghiêm tịnh độ. Người tín nguyện trì danh, nếu trì đến chỗ cứu cánh, đoạn tận vô minh mà vãng sanh thì liền sanh cõi Thường Tịch Quang tịnh độ. Cho nên trì danh niệm Phật có khả năng sanh lên bốn cõi, thật chính xác không sai.”
Ngẫu Ích Đại Sư Pháp ngữ: 2.
“Pháp môn Tịnh độ không có gì kỳ lạ, chủ yếu chỉ là tin sâu, nguyện tha thiết và nỗ lực hành trì. Chỉ e rằng, người mới có được chút ít niềm tin cao quý và sự an ổn, rồi thủ đắc mà buông bỏ niệm. Nếu ngày đêm quyết định lấy mười vạn, hoặc ba vạn hay năm vạn niệm làm tiêu chuẩn, niệm không thiếu; Thề nguyện suốt đời không thay đổi mà khi lâm chung không được vãng sanh thì ba đời chư Phật thành vọng ngữ.
Một khi đã vãng sanh thì vĩnh viễn không thoái chuyển, thấu rõ được tất cả các pháp. Phải tránh lối tu theo kiểu hôm nay Trương Tam, ngày mai Lý Tứ (người tu lúc này lúc nọ)… Tu hành như thế làm sao biết được trì danh hiệu A Di Đà Phật đến chỗ cứu cánh thì ba tạng, mười hai bộ loại kinh, tất cả giáo lý đều ở trong này. Một ngàn bảy trăm công án thiền cũng nằm trong này. Ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, ba tụ tịnh giới cũng ở trong đây.”
Ngẫu Ích Đại Sư Pháp ngữ: 3.
“Được vãng sanh hay không toàn do có Tín, Nguyện hay không. Phẩm vị cao hay thấp đều bởi hành trì sâu hoặc cạn.” Ngài lại bảo: “Nếu không Tín, Nguyện, dù trì niệm câu hồng danh cho đến gió thổi không vào, mưa sa chẳng lọt; Vững chắc như tường đồng vách sắt, cũng không được vãng sanh.”
Ngẫu Ích Đại Sư Pháp ngữ: 4.
“Một câu A Di Ðà Phật chính là pháp để đắc Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác của đức Bổn Sư Thích Ca trong đời ác ngũ trược. Nay đem toàn thể Quả Giác này trao cho chúng sanh trược ác. Ðó là cảnh giới sở hành của chư Phật. Chỉ Phật với Phật mới có thể hiểu cùng tận được nổi, chẳng phải là điều cửu giới dùng tự lực mà tin hiểu được nổi”. Lại nữa: “Ðem pháp giới thể làm thành thân và cõi của Phật Di Ðà. Cũng do chính toàn bộ cái Thể ấy làm thành danh hiệu Di Ðà. Vì vậy, danh hiệu Di Ðà chính là bổn giác lý tánh của chúng sanh”.
Ngẫu Ích Đại Sư Pháp ngữ: 5.
Công phu Niệm Phật chỉ quý ở tín tâm chân thực. Thứ nhất phải tin rằng: Ta là Phật chưa thành, Di Ðà là Phật đã thành, thể vốn không hai. Kế đó, tin Ta bà thực sự là khổ, An Dưỡng đích xác đáng quay về, ưa chán rành rành. Tiếp đó, tin mỗi một hành động hiện tại đều có thể hồi hướng về Tây phương. Nếu chẳng hồi hướng, dù là thượng phẩm thiện vẫn chẳng thể vãng sanh.
Nếu biết hồi hướng, dẫu trót lầm gây hạnh ác, nhưng nhanh chóng dứt tâm tương tục, khởi lòng trân trọng sám hối; Nhờ sức sám hối cũng được vãng sanh. Huống là trì giới, tu phước, bao nhiêu nghiệp thù thắng, há chẳng đủ để trang nghiêm Tịnh Ðộ ư? Chỉ vì tín lực chẳng sâu nên thắng nghiệp chìm trong hữu lậu. Lại muốn bỏ pháp này để chọn pháp khác, lầm lạc lắm thay! Chỉ nên tăng thêm lòng tin chân thành, chẳng cần phải thay đổi hết thảy các hạnh nghiệp vậy.
Ngẫu Ích Đại Sư Pháp ngữ: 6.
Biển cả Phật pháp, lấy Tín để vào, lấy Trí để chứng. Nếu có tín tâm nhưng thiếu trí huệ, chỉ e khó tránh phân vân đôi ngả. Phật dạy: “Ðời mạt đấu tranh kiên cố, ức ức người học đạo, hiếm có một người chứng quả. Chỉ nương vào niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ, mới có thể vượt ngang ra khỏi luân hồi”. Nếu tin tưởng sâu xa niệm Phật, lễ bái là cái nhân chân chánh để thành Phật, thành Tổ thì đích xác là chẳng bị dòng đời xoay chuyển. Lại còn là trí huệ đại quang minh, vượt thẳng lên Tịnh Ðộ, vĩnh viễn chẳng sợ bị lạc đường nữa.
Ngẫu Ích Đại Sư Pháp ngữ: 7.
Siêu sanh thoát tử nhưng bỏ qua pháp môn Tịnh Ðộ thì quyết chẳng còn phương tiện hoành siêu, thẳng chóng nào khác nữa. Nhưng muốn sanh về Tịnh Ðộ mà bỏ pháp Niệm Phật thì chắc chắn chẳng còn công phu “vạn người tu, vạn người đậu” nào nữa! Gần đây, kẻ manh Thiền (thiền mù, tu thiền lơ mơ) lầm bảo chẳng cần phải niệm Di Ðà, chẳng cần sanh Tịnh Ðộ. Bướng bỉnh, mù quáng, hung hăng, sa hầm, sụp hố. Ôi, đêm lúc sắp ngủ, gối chiếu xộc xệch, còn phải xếp lại cho ngay. Ba cõi như nhà cháy nhưng chẳng nghĩ xuất ly há có được chăng?
Sao bằng già dặn, chắc thực niệm Phật. Lấy Tín dẫn đường, lại phải phát nguyện chóng ngự lên chín phẩm đài sen. Cùng Quán Âm, Thế Chí, Hải Chúng làm quyến thuộc! Ngó lại kẻ ác kiến tà thiền trống rỗng, mượn hư danh Tổ Sư vênh váo một thời, đọa nỗi khổ thực sự: Kéo lưỡi trâu cày trong vạn kiếp, khác gì mây sánh với bùn! Bất luận tán tâm, định tâm, chỉ khắc định khóa trình, trọn đời chẳng khuyết, mỗi ngày càng thêm siêng gắng, thiết tha thì hoa nhụy cõi Tịnh Ðộ ngày càng tươi tốt thêm.
Ngẫu Ích Đại Sư Pháp ngữ: 8.
Tin sâu Tịnh Ðộ, phát nguyện quyết định vãng sanh, lấy Trì Danh làm Chánh Hạnh, lấy Lục Ðộ v.v… làm Trợ Hạnh. Vạn người tu, vạn người vãng sanh, tuyệt đối bảo đảm. Nếu tâm còn một điểm háo thắng, tu lấn sang Tham Cứu, cho là “hướng thượng” thì chỗ đặt chân chẳng ổn, mất cả Thiền lẫn Tịnh! Là bậc trí thì chẳng thể không quyết đoán chỗ mình toan hướng đến.
Ngẫu Ích Đại Sư Pháp ngữ: 9.
Niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ chính là một pháp môn gồm thâu trọn vẹn trăm ngàn pháp môn, chứ chẳng phải là đề cao một pháp môn, vứt bỏ trăm pháp môn khác! Nhưng phải thâm nhập một môn, lấy Niệm Phật làm Chánh Hạnh, còn hết thảy Giới, Ðịnh, Huệ v.v… làm Trợ Hạnh. Chánh – Trợ cùng hành như thuyền thuận gió, lại thêm có dây lèo thì càng chóng đến được bờ. Pháp Niệm Phật tuy nhiều, nhưng Trì Danh là giản tiện nhất. Pháp Trì Danh tuy nhiều, nhưng phép Ký Số là ổn thỏa, thích đáng nhất. Kẻ tu hành thực sự nào có mong làm gì khác với hạng ngu phu, ngu phụ đâu.
Ngẫu Ích Đại Sư Pháp ngữ: 10.
Nhạt một phần tình đời, tự nhiên đắc lực thêm một phần Phật pháp. Xem nhẹ chuyện kiếm sống trong cõi Ta bà một phần, phương tiện sanh về Tây phương ổn đáng thêm một phần. Ðiều này mình chỉ tự hỏi lòng, đừng hỏi bạn tri thức. Tri thức cũng chỉ khuyên nhạt bớt mùi đời, coi nhẹ chuyện làm ăn, chuyên tu đạo Xuất Yếu mà thôi.
Ngẫu Ích Đại Sư Pháp ngữ: 11.
Ra khỏi nhà lửa tam giới, có hai đường Dọc và Ngang: – Dùng Tự Lực đoạn Hoặc để siêu thoát sanh tử gọi là Thụ Xuất Tam Giới (vượt khỏi Tam Giới theo chiều dọc), khó khăn, thành công chậm chạp. – Dùng Phật Lực tiếp dẫn sanh về Tây phương gọi là Hoành Siêu Tam Giới (siêu thoát Tam Giới theo chiều ngang), dễ dàng, thành công nhanh chóng.
Viễn Tổ (đại sư Huệ Viễn) nói: “Công cao dị tấn, niệm Phật vi tiên” (công cao mà dễ tiến thì niệm Phật đứng đầu). Nếu có thể dốc lòng vào đường tắt Tây phương, chí thành phát nguyện, một lòng niệm Phật cầu vãng sanh thì đúng là bậc trượng phu. Nếu vẫn chưa thực sự tin, nguyện chẳng thiết, hành chẳng tận sức, dù Phật có từ bi thả thuyền, chúng sanh chẳng chịu lên thuyền thì biết làm thế nào đây?
Ngẫu Ích Đại Sư Pháp ngữ: 12.
Tín – Nguyện như mắt, các hạnh như chân. Tín – Nguyện như trâu, các hạnh như xe. Tín – Nguyện như chữ khắc trên con cờ, các hạnh như con cờ. Vì Tín – Nguyện – Hạnh ba thứ, thiếu một thứ chẳng được, nhưng phải lấy Tín – Nguyện làm chủ đạo. Bởi lẽ, nếu Tín – Nguyện đã chuyên thì mọi thứ điều thiện đều là tư lương Tịnh Ðộ. Dẫu cho vạn phần bất hạnh, trót lầm gây các điều ác, thành tâm sám hối, dứt tâm tiếp nối thì cũng đủ để làm diệu hạnh vãng sanh. Nếu không có Tín Nguyện, dù cho Giới động trời người, Ðịnh cảm cõi Sắc, cõi Vô Sắc thì trí huệ chỉ đạt bằng Nhị Thừa Quyền Quả mà thôi.
Ngẫu Ích Đại Sư Pháp ngữ: 13.
Nếu muốn mau thoát khỏi nỗi khổ luân hồi thì không gì bằng trì danh niệm Phật, cầu sanh thế giới Cực Lạc. Nếu muốn quyết định được sanh về thế giới Cực Lạc thì lại không gì bằng lấy Tín để dẫn đường, lấy Nguyện để thúc đẩy. Tin xác quyết, nguyện khẩn thiết, dù tán tâm niệm Phật cũng chắc chắn được vãng sanh. Lòng tin chẳng chân thực, nguyện chẳng dũng mãnh, dù nhất tâm bất loạn cũng chẳng được vãng sanh.
Thế nào là Tín? Một là tin vào nguyện lực của Phật A Di Ðà. Hai là tin vào lời dạy của đức Thích Ca Văn Phật. Ba là tin vào lời khen ngợi của sáu phương chư Phật. Phàm là bậc chánh nhân quân tử trong thế gian còn chẳng nói dối, huống hồ là Di Ðà, Thích Ca, sáu phương chư Phật há lại vọng ngữ sao? Chẳng tin điều này thì thực chẳng còn cách nào cứu được nữa. Vì thế, trước hết phải sanh lòng tin sâu xa.
Thế nào là Nguyện? Trong hết thảy thời, chán ghét nỗi khổ sanh tử cõi Ta-bà, ưa thích, hâm mộ niềm vui Bồ Ðề cõi Cực Lạc. Làm bất cứ điều gì thiện hay ác, nếu thiện thì hồi hướng cầu vãng sanh, ác thì sám nguyện cầu vãng sanh, không còn chí gì khác. Ðấy gọi là Nguyện. Tín – Nguyện đã đầy đủ thì Niệm Phật chính là chánh hạnh; cải ác tu thiện đều là trợ hạnh. Tùy theo công sức sâu cạn mà chia thành chín phẩm, bốn cõi Tịnh Ðộ, mảy may chẳng lạm. Chỉ cần tự kiểm điểm lấy mình, chẳng cần phải hỏi người khác nữa.
Ngẫu Ích Đại Sư Pháp ngữ: 14.
Có kẻ thiền giả hỏi tôi: “Sư tu tập công phu gì?”
Ðáp: “Niệm Phật”.
Kẻ ấy hỏi: “Niệm Phật để làm gì?”
Ðáp: “Ðể cầu sanh Tây phương!”
Thiền giả cười khẩy: “Sao chẳng chuyên chú nơi tự tánh Di Ðà, duy tâm Tịnh Ðộ, mà lại dùng cái vọng niệm ấy để vọng cầu làm gì?”
Tôi đáp: “Ông bảo Phật A Di Ðà ở ngoài tánh, cõi Cực Lạc ở ngoài tâm ư? Nếu vậy thì tâm tánh quá hạn hẹp rồi. Như vậy lời ông vừa bảo vô cầu vô niệm đó chẳng phải là chấp vào Không một cách xấu ác hay sao?”
Lại hỏi: “Ông do nguyện nào nguyện sanh Tây phương?”
Tôi hỏi: “Là do nguyện nào nguyện vào địa ngục?”
Người ấy đáp: “Là cái tâm nào vậy?”
Tôi đáp: “Tây phương là trên thờ chư Phật, địa ngục là dưới độ chúng sanh. Với Phật thì bắt đầu từ đức Di Ðà vì nguyện vương thù thắng. Với chúng sanh thì bắt đầu từ địa ngục vì bi tâm khẩn thiết”.
Ngẫu Ích Đại Sư Pháp ngữ: 15.
Sanh về Tây phương dùng ba thứ tâm: chí thành tâm, thâm tâm và hồi hướng phát nguyện tâm. Do ba tâm này có thể tu thẳng thành Phật. Người trôi lăn cõi tục cũng có ba tâm: Tâm khinh, tâm sao nhãng, tâm tương tục. Do ba tâm này thường qua lại trong năm đường. Ô hô! Ba thứ tâm trước trong trăm người họa chăng có một; ba tâm sau trăm ngàn người chẳng có nổi một người không. Chẳng lạ gì người miệng bảo cầu sanh thì lắm, kẻ thực sự vãng sanh lại ít vậy!
(Đại sư Ngẫu Ích – Theo Tịnh Độ Tập Yếu)
Tuệ Tâm 2021.
Để lại một bình luận