Nói về niệm Phật thì đây là pháp môn được nhiều người tu tập bậc nhất ở trong Phật pháp hiện nay. Chỉ tiếc rằng người niệm Phật thì nhiều mà người hiểu về pháp niệm Phật ấy lại vô cùng ít ỏi.
Bởi vì không hiểu về pháp cho nên người ta tuy gặp được pháp môn mầu nhiệm bậc nhất, tối cao nhất, dễ ra khỏi sanh tử luân hồi nhất trong vạn pháp nhưng không dám tin nhận, lại cứ rong ruổi tìm cầu ở bên ngoài. Ví như khi bị bệnh liền chuyển sang niệm Phật Dược Sư, khi gặp nạn khổ liền niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, khi cầu trí huệ lại chuyển sang niệm thánh hiệu của đức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, khi gặp ma chướng liền chuyển sang tụng chú Đại Bi hoặc Chú Lăng Nghiêm…
Vì không hiểu về pháp nên người tu tuy công phu vất vả, thời khóa sớm hôm, nhưng càng tu càng thấy tâm mình đầy rẫy phiền não, nghi ngờ. Tâm không an tịnh nên cuộc sống chẳng được thuận lợi an vui.
*
Vì không hiểu pháp, không hiểu về công đức niệm Phật cho nên phần lớn người niệm Phật thường phạm phải cái điều tối kỵ trong tu tập, đó là Tạp Hạnh Tạp Tu. Sáng niệm Phật, chiều tụng kinh, tối trì chú. Hoặc thường ép buộc mình phải tu thêm các công đức thế gian như bố thí, từ thiện, Tịnh nghiệp tam phước…để hồi hướng công đức vãng sanh. Do rơi vào tự lực niệm Phật, tâm khởi nghi nan nên vô cùng khó được vãng sanh.
Trong bài viết hôm nay, tôi sẽ y cứ nơi pháp mạch truyền thừa của Tổ Thiện Đạo, là hóa thân của đức Phật A Di Đà, giúp bạn phá sạch các chấp trước sai lầm về pháp môn niệm Phật, giúp bạn minh bạch về công đức vô thượng và sự mầu nhiệm của sáu chữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật.
Và nếu như bạn y theo hướng dẫn về cách niệm Phật tại nhà này mà thực hành thì tôi dám khẳng định mà không sợ vọng ngữ rằng: Bạn sẽ chắc chắn được vãng sanh. Niệm Phật đối với bạn sẽ trở thành một niềm vui không ngằn mé. Hiện đời bạn sẽ luôn được bình an, thân tâm an lạc, không bị bệnh tật, không gặp ma chướng, không bị ma quỷ ám nhập não hại. Cho đến những phước báu thế gian như khai mở trí huệ, giàu sang, thành đạt, hạnh phúc…đều sẽ không cầu mà tự được. Lúc xả báo thân, trong một niệm liền vãng sanh về Cực Lạc Tịnh Độ, vĩnh viễn ra khỏi sanh tử luân hồi.
HƯỚNG DẪN CÁCH NIỆM PHẬT TẠI NHÀ CHO PHẬT TỬ TU TẠI GIA
Về niệm Phật thì chỉ cần bạn chân thật niệm Phật cầu vãng sanh, không cầu gì khác, không tạp tu thêm bất cứ môn gì thì bạn đã bước ra khỏi sự kiềm tỏa của số phận và chính thức bước lên thuyền đại nguyện của đức phật A Di Đà. Vận mệnh lúc này không cách chi có thể chi phối được bạn nữa. Cái thân của bạn sẽ ngày càng khỏe mạnh, hiếm khi bị bệnh, khuôn mặt hồng hào, nhìn trẻ hơn so với tuổi rất nhiều.
Bên cạnh đó, cái tâm của bạn cũng ngày một an tịnh, dù thế cuộc bên ngoài hung hiểm thế nào, nó cũng không còn bất an, không còn lo lắng. Và nếu bạn chân thật thật tu trì hàng ngày thì chỉ chừng ít năm sau, các khả năng như trí huệ, thần thông… sẽ dần dần được khai mở một cách tự nhiên. Công việc của bạn ngày càng thuận lợi, người ta gặp bạn cũng tự nhiên sanh tâm mến quý.
Đây là dấu hiệu điển hình của những người niệm Phật đúng pháp.
Còn nếu bạn niệm Phật đã nhiều năm mà không có các dấu hiệu trên thì chắc chắn bạn đang thực hành không đúng pháp. Cho nên hôm nay tôi sẽ giúp bạn phá sạch các nghi nan chấp trước về pháp môn niệm Phật, những thứ đã trói buộc khiến cho bạn không được an lạc và khiến bạn không thể tiến tu.
Muốn vững bước trên đường tu, trước tiên, bạn phải nắm vững và minh bạch sáu điều cốt lõi về pháp niệm Phật. Sáu điều ấy như thế này:
Sáu điều cốt lõi về niệm Phật cần minh bạch
Điều đầu tiên bạn cần minh bạch rằng niệm Phật là vua của vạn pháp, sự nhiệm mầu là tột cùng, không pháp chi hơn được.
Niệm Phật là vua của vạn pháp là bởi vì 5 lý do:
Lý do Thứ nhất
Pháp niệm Phật không có hình thức, cũng không có kiêng kỵ gì, ai cũng tu được. Không phân biệt bạn ăn chay hay ăn mặn, không phân biệt bạn giàu nghèo, sang hèn hay trí ngu, chỉ cần muốn niệm Phật là niệm được. Còn đối với các pháp như tụng kinh, trì chú, thiền định thì bạn phải ăn chay, giữ giới và y như pháp tu tập thì mới có được lợi ích. Đây là lý do tại sao niệm Phật là vua của vạn pháp.
Lý do Thứ hai
Pháp niệm Phật dễ thực hành. Dù nhà bạn có thờ Phật hay không, dù bạn quy y hay chưa quy y đều niệm được. Và bất cứ lúc nào, bất cứ là ở đâu, dù bạn bận hay nhàn, đều có thể niệm được. Bạn niệm to, niệm nhỏ hay niệm thầm đều được, công đức như nhau. Đây là lý do tại sao niệm Phật là vua của vạn pháp.
Lý do Thứ ba
Pháp niệm Phật tột cùng vi diệu. Cứ hễ miệng bạn niệm một câu nam mô A Di Đà Phật, trên hư không liền xuất hiện một luồng hào quang bao thâu nhiếp, che chở và bảo vệ bạn. Trong ánh hào quang này ma quỷ cho đến oan gia trái chủ, đều không thể nào làm hại được bạn. Do vậy bạn chỉ cần niệm Phật là đủ, không cần phải niệm thêm danh hiệu của Phật hay bồ tát nào khác. Bạn cũng không phải nhọc công giữ giới ăn chay để tụng thêm chú Đại Bi hay chú Lăng Nghiêm. Đây là lý do tại sao niệm Phật là vua của vạn pháp.
Lý do Thứ tư
Pháp niệm Phật siêu trừ nghiệp chướng, không pháp chi hơn được. Kinh Quán Vô lượng thọ dạy: “Chí tâm niệm Phật một câu tiêu trừ được tội nặng trong 80 ức kiếp sanh tử.” Không pháp lễ sám nào, kinh chú nào có được cái công năng siêu tuyệt này.
Cho nên nếu bị bệnh tật, bạn chỉ cần niệm Phật là đủ, không cần phải niệm thêm danh hiệu của đức Phật Dược Sư. Bởi vì bệnh tật của chúng ta đều do nghiệp lực chiêu cảm. Cho nên hễ bạn chí tâm chuyên niệm Phật nên nghiệp chướng được tiêu trừ, bệnh tật do đó chẳng đến được nơi thân. Nếu bạn cầu khai mở Trí huệ cũng chỉ niệm Phật là đủ, không cần niệm thêm thánh hiệu của đức Văn Thù. Bởi Trí huệ chỉ được khai mở khi nghiệp chướng được tiêu trừ. Do đó để được khai mở trí huệ, bạn chỉ cần niệm Phật là đủ, không cần phải niệm thêm danh hiệu của đức Văn Thù.
Nghiệp chướng một khi được tiêu trừ thì phước đức tăng trưởng, thiện nghiệp phát sanh. Những phước báu thế gian như con cái, giàu có, danh vọng, không cầu mà tự được. Đây là lý do tại sao niệm Phật là vua của vạn pháp.
Lý do Thứ năm
Pháp niệm Phật vô cùng dễ liễu sanh thoát tử. Chỉ cần bạn chân thật phát nguyện vãng sanh rồi hằng ngày nhất hướng chuyên xưng sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật thì không cứ niệm nhiều hay ít, tán tâm hay định tâm, nghiệp lực nặng hay nhẹ… Đều chắc chắn nhờ Phật lực mà đới nghiệp vãng sanh về Cực Lạc Tihj Độ, giải thoát ngay trong đời này. Còn như thiền định, tụng kinh, hay trì chú…bạn phải mất nhiều kiếp huân tu, phải giữ giới tinh nghiêm, miên mật tu trì trong nhiều kiếp may ra mới đắc được quả vị giải thoát. Đây là lý do tại sao niệm Phật là vua của vạn pháp.
Điều thứ hai bạn cần minh bạch là về Công đức niệm Phật.
Khi còn thu Bồ Tát đạo, đức Phật A Di Đà đã huân tập toàn bộ vô lậu của ngài vào 6 chữ Nam mô A Di Đà Phật. Công đức vô lậu này cũng chính là thứ cảm thành thế giới Cực Lạc. Cho nên khi ta niệm Nam mô A Di Đà Phật là đã đầy đủ công đức vãng sanh, như kinh Quán Vô Lượng Thọ đã dạy: “Nếu có ai nghe được danh hiệu của đức Phật A Di Đà mà hớn hở vui mừng cho đến chừng 1 niệm, phải biết rằng người ấy đã được lợi ích rất lớn, đã đầy đủ công đức vô thượng.”
Cho nên khi chúng ta niệm Phật thì công đức mà chúng ta có được là do đức Phật A Di Đà ban cho ta thông qua danh hiệu của ngài, chứ bản thân ta thực sự không tạo ra được công đức gì cả. Hiểu được điều này, chúng ta sẽ đập tan được cái tâm cống cao ngã mạn, tự cho rằng mình tài giỏi.
Ta sẽ hiểu rằng tội chướng của ta được tiêu trừ, phước đức, trí huệ của ta được tăng trưởng, cho đến tư lương giúp ta được vãng sanh về Cực Lạc Tịnh Độ đều là nhờ vào công đức của Phật A Di Đà, đều là Phật A Di Đà đã vì thương xót mà bố thí công đức cho ta, thay cho chúng ta trả nghiệp và giúp cho chúng ta được thành tựu.
Và nếu không có ngài, chúng ta chỉ là phàm phu ngu si, nghiệp sâu chướng nặng, vô phương ra khỏi sanh tử luân hồi.
Điều thứ ba bạn cần minh bạch là về nguyên lý Vãng Sanh.
Về việc này thì bạn phải khắc cốt ghi tâm rằng: Niệm Phật là việc của ta, vãng sanh là việc của Phật A Di Đà. Trong nguyện thứ 18 của kinh Quán Vô Lượng Thọ, đức Phật A Di Đà khi còn là Bồ Tát Pháp Tạng có nguyện rằng: “Nếu ta thành Phật, mười phương chúng sanh, chí tâm tin ưa, muốn sanh về cõi nước ta, xưng danh hiệu ta cho đến mười niệm, nếu chẳng vãng sanh, ta thề không ở ngôi Chánh Giác.”
Nay ngài đã thành Phật, nguyện lực vì thế đã thành tựu. Cho nên chỉ cần bạn từ nay đến lúc mãn phần, hằng ngày nhất hương chuyên xưng sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật, thì không phân biệt bạn niệm nhiều hay niệm ít, không phân biệt tâm bạn tán loạn hay không tán loạn và không phân biệt công phu của bạn thành phiến hay không thành phiến, cũng đều chắc chắn được vãng sanh.
Hãy luôn nhớ rằng: Để được vãng sanh, đức Phật A Di Đà không có yêu cầu bạn phải đắc nhất tâm bất loạn theo kiểu lý sự nhất như của Tông Môn, không yêu cầu bạn phải niệm Phật đến thức ngủ nhất như, không yêu cầu bạn phải đắc tam muội hiện tiền. Ngài cũng không yêu cầu bạn phải tu Tịnh nghiệp tam phước. Ngài chỉ yêu cầu bạn một việc vô cùng đơn giản: Chí tâm tin ưa, xưng danh hiệu ta cho đến 10 niệm.
*
Cho nên Tổ Thiện Đạo, là hóa thân của đức Phật A Di Đà, trong Pháp Sự Tán và Quán Niệm Pháp Môn, ngài bảo rằng: “Chúng sanh thuần nhất chuyên xưng danh hiệu, trên thì một đời, dưới đến 10 niệm, không ai không được vãng sanh. Ngài lại bảo: “Chúng sanh thuần nhất chuyên xưng danh hiệu cầu vãng sanh, gọi là bình sanh nghiệp thành, nghĩa là nghiệp vãng sanh đã thành tựu, không đợi đến lúc lâm chung”
Nghĩa là lúc bình thời, ta phát nguyện vãng sanh và niệm Phật cầu vãng sanh, không có tạp tu thì cho dù ta chết dưới bất kỳ hình thức nào, dù bệnh nặng hay tai nạn chết bất đắc kỳ tử đi, trước lúc chết không niệm được câu phật hiệu nào hay không để lại thoại tướng gì đi chăng nữa, vẫn chắc chắn được vãng sanh.
Cho nên đối với những người chuyên tu niệm Phật, việc vãng sanh quyết định ngay tại thời điểm phát nguyện vãng sanh. Vì thế nếu bạn từ nay cho đến cuối đời nhất hướng chuyên xưng danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật thì gọi là Chánh Định Nghiệp, chắc chắn vãng sanh. Bạn không cần phải lo lắng, cũng không cần phải hộ niệm gì hết!
Điều thứ tư bạn cần minh bạch là phải niệm đủ sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật, chớ niệm 4 chữ A Di Đà Phật.
Tại sao lại phải niệm sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật thì Tổ Thiện Đạo giải thích rằng: “Hai chữ “Nam mô” ngoài ý nghĩa là “Quy mạng” ra, còn có nghĩa là “Phát nguyện hồi hướng.” Cho nên khi ta niệm sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật thì có nghĩa là ta đang quy mạng Phật A Di Đà, đang phát nguyện hồi hướng vãng sanh về Cực Lạc Tịnh Độ. Còn như ta niệm Phật cầu vãng sanh mà chỉ niệm bốn chữ A Di Đà Phật, không niệm hai chữ “Nam mô” thì không có cái công năng quy mạng và hồi hướng. Chúng ta niệm Phật mà không quy mạng Phật A Di Đà, cũng không hồi hướng phát nguyện vãng sanh thì làm sao mà vãng sanh cho được?
Cho nên bạn phải minh bạch chỗ này, phải niệm đầy đủ sáu chữ sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật. Chuyện này hệ trọng lắm, không phải tầm thường đâu. Người niệm bốn chữ do tu tập thiên về tự lực nên ma chướng rất nhiều. Tôi không nói chơi đâu! Mấy năm gần đây tôi nhận được khá nhiều thư bạn đọc hỏi rằng: Tại sao họ niệm Phật mà lại còn gặp ma chướng? Tôi truy một hồi thì hóa ra bởi vì họ niệm Phật nhưng chỉ niệm bốn chưa A Di Đà Phật. Tai hại hơn, cái tâm cầu nhất tâm bất loạn, tam muội hiện tiền của họ mãnh liệt hơn cầu vãng sanh. Tu như thế không gặp ma chướng mới là chuyện lạ.
Trong hầu hết các trường hợp, cứ hễ ai nghe lời tôi khuyên mà chuyển sang niệm sáu chữ, chỉ một ít ngày liền thoát khỏi hẳn ma chướng.
Điều thứ năm bạn cần minh bạch về Tự lực niệm Phật và Tha lực niệm Phật.
Thế nào là tự lực niệm Phật?
Tự lực niệm Phật là xem câu Nam mô A Di Đà Phật và tất cả các việc thiện khác đồng quan trọng như nhau. Cho rằng câu Nam mô A Di Đà Phật này công đức ngang bằng các thiện nghiệp: Đi hành hương, tụng kinh, bái sám, bố thí, trì giới, tinh tấn, thiền định…Dùng quan niệm này niệm Phật đồng thời kiêm thêm làm các việc thiện, sau đó hồi hướng về thế giới Cực Lạc.
Do không hiểu rõ Phật hiệu là vạn đức hồng danh, mà cào bằng giá trị của Phật hiệu với các công đức khác. Trong lòng mang trạng thái tâm lý này, vừa niệm Phật vừa tu các công đức khác để hồi hướng. Đây gọi là tự lực niệm Phật!
*
Trên cơ sở này, người ta cho rằng phải niệm Phật đến công phu thành phiến, phải niệm đến hàng phục vọng tưởng. Nếu không có “lý nhất tâm bất loạn”, cũng phải đạt được “sự nhất tâm bất loạn”. Không có “phá tư hoặc” cũng phải “đoạn kiến hoặc”. Nếu không thì cũng phải “công phu thanh phiến” hoặc “thức ngủ nhất như”. Có được cái công phu này, lâm chung có thể dễ dàng chánh niệm hiện tiền, đảm bảo vãng sanh.
Để đến được cảnh giới này, tôi nói thật cho các bạn biết rằng duy chỉ có bậc Tổ Sư, giới hạnh cực tinh nghiêm mới làm nổi. Phàm phu chúng ta cửa gì mà mong được vãng sanh? Nếu phải như thế mới được vãng sanh thì thế gian này đếm được mấy người! Cõi Cực Lạc Tịnh Độ mênh mông xinh đẹp chắc chỉ có mình Phật A Di Đà cô độc ở đó thôi sao. Cho nên tự lực niệm Phật vô cùng khó vãng sanh, trong trăm ngàn người tu may lắm chỉ có 1-2 người.
Thế nào gọi là Tha lực niệm Phật?
Tha lực niệm Phật nghĩa là tin nhận sự cứu độ bình đẳng, vô điều kiện của Phật A Di Đà, phát nguyện vãng sanh rồi nhất hướng chuyên xưng sáu chữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật. Phá bỏ hết các chấp trước về căn cơ thanh tịnh hay ô uế; Không kể tội nặng hay nhẹ, phú quý hay hèn hạ, Trí tuệ hay ngu si; Chỉ cần xưng niệm danh hiệu đức Phật và xả bỏ những quán niệm vọng động của tâm, nghĩa là:
- Xả bỏ những tư duy về thiện – ác, tịnh – uế.
- Xả bỏ những chấp trước về tin- nghi, mê – ngộ.
- Xả bỏ các sự phân biệt Tăng – tục, trí – ngu.
Tất cả những quán niệm của tâm đều xả bỏ, chỉ duy nhất trú tâm vào một câu Nam mô A Di Đà Phật. Điều này có nghĩa là:
*
- Khi cảm ân hoan hỷ cũng Nam mô A Di Đà Phật.
- Khi xót thương bản thân, không cảm ân, không hoan hỷ cũng Nam mô A Di Đà Phật.
- Khi tàm quý sám hối cũng Nam mô A Di Đà Phật.
- Khi rất xấu hổ cho bản thân, không tàm quý, không sám hối cũng Nam mô A Di Đà Phật.
- Khi tâm thanh tịnh cũng Nam mô A Di Đà Phật, khi tâm tán loạn cũng Nam mô A Di Đà Phật.
Không kể thiện – ác, tội – phước; Không kể trí – ngu, mê – ngộ; Không kể tịnh – uế, tin – nghi; Không kể thời gian, nơi chốn, mọi công việc; Không kể mười phương, ba đời, thanh thoát tự tại, tánh linh sáng suốt để mà xưng niệm danh hiệu. Đây gọi là Tha lực niệm Phật, chắc chắn được vãng sanh! Trăm người tu trăm người vãng sanh, ngàn người tu ngàn người chắc chắn được vãng sanh.
Điều thứ sáu bạn cần minh bạch là cõi Cực Lạc là Báo Độ, không phải bốn cõi Tịnh độ như chư Tổ Thiền Tông giải thích.
Bốn cõi Tịnh độ là chủ trương của Tổ Thiên Thai Trí Giả. Ngài do căn tánh của chúng sanh thời đấy đang còn trong sáng, ưa tu Thiền Định mà lập ra, chớ trong Tịnh Độ Tam Kinh và kinh Niệm Phật Ba La Mật không hề có một chữ nào nói về bốn cõi này. Điều này bạn có thể tự mình duyệt các kinh để tự mình minh bạch. Còn trong Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ, Đại sư Thiện Đạo, là hóa thân của đức Phật A Di Đà dạy rằng: Cõi Cực Lạc Tịnh Độ là Báo Độ.
Cho nên người vãng sanh về Cực lạc Tịnh độ là vãng sanh vào cõi Thật báo Trang nghiêm Tịnh độ, tức là Báo Độ. Tùy theo cái công hạnh sâu hay cạn mà sẽ hóa sanh vào một trong chín phẩm hoa sen.
5 điều thắc mắc phổ biến của người niệm Phật tu tại gia
Sau khi bạn đã minh bạch sáu điều cốt lõi của pháp môn niệm Phật ở trên, tôi sẽ giúp bạn giải đáp 5 điều thắc mắc phổ biến của người niệm Phật tu tại gia.
1. Nếu chưa quy y tam bảo thì có niệm Phật được không?
Câu trả lời là được, chẳng có ảnh hưởng gì cả! Pháp niệm Phật không có hình thức, cũng không có kiêng kỵ gì. Đức Phật A Di Đà phát nguyện cứu độ chúng sanh tội khổ ở trong 10 phương thế giới một cách bình đẳng, vô điều kiện. Cho nên dù bạn là ai, dù bạn thuộc chủng loài Trời, người, A Tu La, Ngạ quỷ…Dù bạn quy y hay chưa, đều có thể niệm Phật cầu vãng sanh và đều được bình đẳng vãng sanh về Báo Độ Cực Lạc, không có phân biệt gì cả.
Cứ hễ bạn phát nguyện cầu vãng sanh mà nhất hướng chuyên xưng 6 chữ Nam mô A Di Đà Phật, từ nay đến cuối đời, không tạp tu thì đều chắc chắn được vãng sanh.
2. Nhà không có bàn thờ Phật có niệm được không?
Câu trả lời là được! Nếu nhà không có bàn thờ Phật thì bạn ngồi trước bàn thờ gia tiên hoặc thần linh mà niệm. Nếu bạn ở trọ, không có bàn thờ nào cả thì cứ ngoảnh mặt hướng tây mà niệm. Nếu hướng Tây không thuận tiện thì bạn ngồi bất kỳ hướng nào niệm cũng được. Công đức đều không khác gì bạn đối trước tượng Phật mà niệm cả đâu.
3. Có cần tụng nghi thức niệm Phật và cố định thời khóa hay không?
Câu trả lời là có! Mỗi ngày chúng ta nên cố định thời khóa 2 lần, mỗi lần tối thiểu chừng 30 phút, vào lúc sáng sớm mới thức dậy và trước khi đi ngủ. Bạn tùy vào hoàn cảnh của mình mà cố định thời khóa niệm Phật. Nhưng nếu có thể thì nên cố định lúc 5h sáng và 9h tối, đây là khoảng thời gian tốt nhất để bạn công phu.
Cố định thời khóa vô cùng quan trọng với người tại gia. Bởi vì chúng ta là phàm phu, định lực không có nên thường lười biếng giải đãi. Nếu không cố định thời khóa tu tập sẽ rất dễ nay có mai không. Kết cục thối mất đạo tâm lúc nào cũng chẳng hay. Vì thế nên thời khóa công phu chính là sợi dây giữ chúng ta trên đường đạo và là thuốc đặc trị chữa bệnh giải đãi buông lung.
*
Khi bạn cố định thời khóa chừng ít tháng, bạn sẽ tạo thành thói quen niệm Phật hàng ngày, dù bận hay nhàn, đến giờ thời khóa cũng sẽ tự nhiên muốn niệm Phật. Như pháp sư Huệ Tịnh bảo rằng: “Phàm phu chúng ta quen nhất là gì? Chính là ngũ dục phiền não. Xa lạ nhất là gì? Chính là niệm Phật. Vậy nên chúng ta cố gắng làm mờ nhạt cái quen nhất là ngũ dục, thường xuyên niệm Phật, hình thành thói quen, đây chính là ” từ chỗ quen thành lạ, từ chỗ lạ chuyển thành quen”.
Và bạn cần biết thêm điều này: Khi bạn niệm Phật một thời gian, do công đức vô lượng nơi danh hiệu Phật, chỗ bạn ngồi niệm Phật sẽ chiêu cảm thiên long hộ pháp đến hộ trì và vô số chúng sanh vô hình đến niệm Phật cùng. Công đức của bạn do đó ngày càng lớn. Vì thế phải siêng năng, chớ bỏ bê thời khóa mà ảnh hưởng đến các chúng sanh ấy.
4. Có cần thắp hương trước lúc vào thời khóa hay không?
Câu trả lời là còn tùy. Nếu nhà bạn có bàn thờ Phật thì nên thay nước và thắp hương. Nếu không có bàn thờ phật thì không cần thắp hương. Trước khi vào thời khóa, bạn nên mở hình phật trên điện thoại để mà đọc tụng và lễ lạy theo nghi thức là được.
5. Kinh dạy chí tâm xưng danh cho đến 10 niệm là được vãng sanh. Vậy tại sao ta không để đến lúc lâm chung mới niệm mà lại niệm hằng ngày làm gì?
Để trả lời câu hỏi này thì bạn hãy nghe đại nguyện thứ 18 của đức Phật A Di Đà: “Nếu ta thành Phật, mười phương chúng sanh, chí tâm tin ưa, muốn sanh về cõi nước ta, xưng danh hiệu ta cho đến mười niệm, nếu chẳng vãng sanh, ta thề không ở ngôi Chánh Giác…” Nếu bạn biết đến đại nguyện của đức Phật A Di Đà mà hằng ngày chẳng chịu niệm danh hiệu của ngài thì chí tâm tin ưa ở đâu?
Vả lại niệm Phật có hai công năng, và bạn nhất định phải minh bạch điểm này:
Công năng đầu tiên của niệm Phật là giúp chúng sanh nương Nguyện lực của đức Phật A Di Đà, dù nghiệp lực chưa hết vẫn đới nghiệp vãng sanh về Cực Lạc Tịnh Độ.
Công năng thứ hai là giúp chúng sanh tiêu trừ nghiệp chướng để đời này được an vui.
*
Chúng ta vô thỉ kiếp đến nay đã gieo vô lượng vô biên ác nghiệp. Nếu hằng ngày chẳng chịu tinh tấn niệm Phật thì những ác nghiệp ấy không được tiêu trừ. Mà ác nghiệp không được tiêu trừ thì gieo nhân gì nhận quả đó, cuộc sống sẽ vô cùng khốn khổ. Vả lại ngày nay thời mạt, tà thần ác quỷ lộng hành và tràn ngập chốn nhân gian. Nếu không chịu niệm Phật thì không được ánh hào quang của Phật A Di Đà thâu nhiếp bảo vệ, ắt sẽ bị chúng nó hãm hại.
Cho nên dù niệm nhiều ít vẫn chắc chắn được vãng sanh, nhưng hằng ngày chúng ta vẫn nên siêng niệm để cuộc sống hiện tại được an ổn. Còn như bảo chờ đến lúc lâm chung mới niệm Phật thì do không có tín tâm, lúc lâm chung, với sức khủng khiếp của cận tử nghiệp mà niệm Phật được thì còn khó hơn lên trời, chẳng thể nào niệm Phật được đâu!
CÁCH NIỆM PHẬT TẠI NHÀ
1. CỐ ĐỊNH THỜI KHÓA CÔNG PHU
Dù Phật A Di Đà cứu độ không có điều kiện, nhưng người sơ cơ vẫn nên cố định thời khóa niệm Phật. Về tác dụng của cố định thời khóa thì như tôi đã nói ở trước, đây là sợi dây níu giữ chúng ta ở trên đường đạo và là thuốc đặc trị bệnh giải đãi buông lung. Và quan trọng hơn, nếu bạn vững vàng thời khóa, chỉ ít tháng thôi, bạn sẽ có cơ hội vào tịch tĩnh, nếm mùi pháp hỉ. Tức là niềm vui ở nơi pháp – Niềm vui này rất lạ lùng, không thể diễn tả bằng lời được, chỉ ai đắc mới hiểu được. Khi có pháp hỉ, bạn sẽ thấy mọi niềm vui ở đời như rơm rác, không có ý nghĩa gì.
Như thế, bạn nên cố này thời khóa ngày 2 lần, buổi sớm khi mới dậy khoảng chừng 5h và tối trước khi ngủ, khoảng 9h bạn nên thực hành thời khóa tối thiểu chừng 30 phút, nhiều hơn thì càng tốt. Nhớ rằng phải cố giữ đúng giờ, ngày nào cũng đúng giờ đó mà vào thời khóa. Còn như bạn quá bận rộn thì ngày cố gắng thực hành thời một thời khóa vào buổi sáng.
*
Pháp sư Huệ Tịnh dạy rằng: “Sáng sớm tĩnh tọa có thể nhanh chóng chuyển hóa tinh thần, tính tình và thân thể của chúng ta. Bởi sáng sớm là lúc tâm linh bình hòa yên tĩnh nhất. Lúc này tịnh tọa niệm Phật có thể nói như “trăng soi đầm lạnh”. Đầm lạnh trong suốt thấy đáy. Khi ánh trăng lộ diện, bóng trăng với nước, nước với bóng trăng, hầu như nhất thể không lìa. Cái tâm yên tĩnh của buổi sáng sớm, từng câu từng câu mà niệm Phật. Thì nghiệp chướng nhanh tiêu trừ, phước đức nhanh tăng trưởng. Nhất là khi trong từng câu Phật hiệu không xen tạp niệm, trong lòng sẽ cảm thấy an tường tịch tĩnh.”
Như thế, Nếu nhà có bàn thờ Phật thì bạn ngồi trước bàn thờ phật, nếu không có bàn thờ phật thì bạn ngồi trước bàn thờ gia tiên hoặc thần linh, thắp 1 nén hương cũng được, không thắp cũng không sao. Còn như bạn ở trọ, không có bàn thờ thì chỉ cần tìm 1 chỗ ngồi, ngoảnh mặt sang hướng tây, hoặc mở hình phật trên điện thoại cũng được. Nếu có thể thì trước nên tụng nghi thức niệm Phật . Nếu không thì cứ ngồi tĩnh tọa mà niệm Phật. Kết thúc thời khóa bạn đọc bài kệ hồi hướng công đức cho pháp giới chúng sanh rồi lui ra.
*
Về cách ngồi tĩnh tọa thì tốt nhất bạn nên ngồi kiết già, tư thế này giúp chúng ta nhanh được vào tịch tĩnh. Nếu không ngồi được kiết già thì bạn ngồi bán già, nếu không thì ngồi xếp bằng cũng được, không có sao cả.
Về niệm Phật thì bạn niệm đủ sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật. Nhớ rằng cứ từ tốn niệm, chớ có niệm nhanh quá, vì niệm nhanh sẽ rất dễ thành niệm dối. Cũng chớ niệm chậm, vì niệm chậm quá sẽ bị trệ, vọng niệm sanh khởi rất nhiều.
Cách niệm Phật để tâm nhanh chuyên nhất là khi niệm Phật, nên nhiếp tâm lắng nghe. Tức dùng tai lắng nghe câu niệm Phật của chính mình. Bất luận là bạn niệm lớn tiếng, nhỏ tiếng, kim cang trì hay mặc niệm. Cũng đều dùng tai lắng nghe, đây gọi là một vòng tuần hoàn: “Niệm tùng tâm khởi, thanh tùng khẩu xuất, âm tùng nhĩ nhập”. Bởi chuyên chú vào âm thanh câu Phật hiệu của chính mình, nên tất cả âm thanh xung quanh, ta không còn để ý. Nếu bạn dùng cách niệm Phật này, dù thời gian niệm có ngắn, nhưng do chí tâm nên công đức là vô lượng.
*
Khi niệm Phật mà vọng tưởng sanh khởi bạn cũng mặc kệ, đừng lo lắng. Chúng ta là phàm phu, vọng tưởng ai cũng có, nên không cần phải lo lắng. Bởi nó chẳng liên quan gì đến việc vãng sanh của ta cả. Cách để đối trị vọng tưởng thì nên lấy “chí thành cung kính đứng đầu”. Chỉ cần thành khẩn thì tâm sẽ nhanh chuyên nhất. Giống như khi con chúng ta gặp nạn, chúng ta khẩn cầu thần thánh hoặc Bồ Tát sẽ rất chí thành, tâm tuyệt nhiên không lăng xăng nghĩ Đông tưởng Tây. Chúng ta niệm Phật với tâm trạng như thế một thời gian, vọng niệm tự hết.
Bí quyết là đừng vội vàng, đừng mong cầu nhất tâm. Đừng cầu thần thông hay phát hiện các cảnh giới. Cứ an nhiên niệm Phật, mọi thứ sẽ không mong cầu mà tự được. Niệm Phật quan trọng nhất nơi chí tâm chứ không phải nơi số lượng nhiều hay ít. Bởi mục đích trọng yếu của chúng ta khi niệm Phật là vãng sanh chứ không vì điều gì khác. Xin khắc cốt ghi tâm điều này!
2. NIỆM PHẬT TRONG NGÀY
Pháp niệm Phật không có hình thức, không có kiêng kỵ gì. Cho nên Bất cứ thời điểm nào, ở đâu, đi đứng, nằm ngồi…bạn đều niệm Phật được. Lại nên thường nhớ niệm Phật để có pháp hỉ, mọi việc ổn định và thuận lợi. Như thế dù đi đường, dù làm việc hay ở bất cứ đâu bạn cứ hễ nhớ ra thì niệm Nam mô A Di Đà Phật. Khi có người ở bên không tiện, hoặc lúc ở nơi bất tịnh như nhà cầu thì nên niệm thầm trong tâm. Lúc nằm ngủ cũng nên niệm thầm, chớ niệm ra tiếng để tránh bị tổn khí. Còn lại thì đều niệm ra tiếng được. Bạn niệm to, niệm nhỏ hay niệm thầm, công đức đều như nhau.
Điều đặc biệt bạn cần nhớ là khi đi đường phải nhớ niệm Phật. Tại sao như thế, bởi ngày nay pháp nhược ma cường, tà thần ác quỷ đầy rẫy chốn nhân gian. Bạn niệm Phật sẽ có Phật quang nhiếp chiếu bảo vệ, chúng tà vạy ấy sẽ không cách chi làm hại bạn được.
*
Pháp sư Huệ Tịnh bảo: “Ngoại trừ lúc ngủ hoặc động não, thời gian còn lại ta đều có thể niệm Phật. Niệm nhiều, niệm ít do hoàn cảnh mỗi người không giống nhau. Khi niệm Phật tâm tịnh hay không tịnh, mỗi người cũng có muôn vàn sai khác. Nhưng bạn chớ lo, điều này chẳng ảnh hưởng gì đến việc cứu độ bình đẳng của Phật A Di Đà. Khi vãng sanh rồi đều ở cùng một cảnh giới, không phân biệt cao thấp.”
Về ăn chay thì nếu bạn có thể ăn được thì tốt, công phu sẽ thăng tiến rất nhanh. Còn nếu không ăn được thì cũng không sao. Cứ chí tâm niệm Phật, lâu ngày, tâm từ bi tăng trưởng, đến một lúc nào đó cũng tự nhiên ngửi mùi thịt cá cũng thấy hôi tanh, không thể nào chịu được.
Bạn cần ý thức rằng việc ăn chay là một trợ hạnh, giúp công phu của ta nhanh được thăng tiến, nhanh vào được tịch tĩnh, nhanh có pháp hỉ và nhanh được khai mở trí huệ và một số khả năng thần thông khác. Và chỉ như thế thôi, chớ ăn chay hay ăn mặn không mang tính quyết định vãng sanh. quyết định vãng sanh nằm ở nơi ta nhớ Phật niệm Phật hằng ngày không quên.
3. NIỆM PHẬT KHI LÀM VIỆC
Khi cuộc sống còn phải mưu sinh, chúng ta cần mang niệm Phật vào trong cuộc sống hàng ngày. Khiến niệm Phật thành cuộc sống, cuộc sống là niệm Phật. Như Tổ Thiện Đạo từng nói: “Đi đứng nằm ngồi, niệm niệm bất xả”. Bất kỳ là ta ở đâu, thời gian nào, làm chuyện gì đều có thể niệm Phật được. Chỉ cần bất cứ lúc nào nhớ ra, chúng ta niệm Phật ngay. Lâu ngày thành thói quen, câu Phật hiệu huân tập sâu nơi Tạng thức. Ta sẽ luôn nhớ niệm Phật không quên.
Khi rảnh rỗi, không có làm gì, ta nên chuyên tâm niệm Phật. Hoặc một giờ, hoặc 30 phút hoặc niệm một ngàn, hai ngàn câu, bao nhiêu cũng được. Đây gọi là chuyên tâm niệm Phật. Riêng về tán tâm niệm Phật. Bởi vì ta còn có công việc. Mắt, tai phải đối mặt với âm thanh sắc tướng, cho nên không phải chuyên. Tuy không chuyên nhưng không trở ngại chúng ta niệm Phật.
Cách niệm Phật như thế nào: Chúng ta vừa làm việc vừa nhép miệng niệm Phật. Như thế thì đi, đứng, ngồi, nằm, dù thời gian nào, ở đâu, ta đều niệm Phật được. Cách niệm Phật này khiến Phật A Di Đà với chúng ta thường kết hợp làm một. Bởi vì A Di Đà nhớ niệm chúng sanh, chúng sanh nhớ niệm A Di Đà. Thì Di Đà với chúng sanh, chúng sanh với Di Đà, nhất thể không xa.
*
Pháp môn niệm Phật là đạo an lạc, nên cần ăn thì ăn, cần ngủ thì ngủ. Cần làm việc thì cứ làm việc, thời gian còn lại luôn niệm không rời. Cho nên, niệm Phật là một trạng thái thảnh thơi, an nhiên tự tại. Không nên cưỡng cầu hoặc cố gắng quá mức. Đừng yêu cầu bản thân quá mức, nếu không, không những thân tâm không an lạc, mà ngược lại còn tệ hại hơn.
Sai lầm lớn nhất của người niệm Phật là luôn tự tạo chướng ngại cho mình, ví như: Làm thế nào để niệm Phật được nhất tâm? Phải niệm Phật thế nào để được tịch tĩnh? Phải làm thế nào để niệm Phật được tinh tấn?….Vì tự chướng ngại nên tâm sanh khổ não, nên hết sức cẩn trọng! Bạn cần biết rằng người niệm Phật thuận theo Bản nguyện là “Bình Sanh nghiệp thành”. Nghĩa là hiện ta đang sống nhưng nghiệp vãng sanh là thành, chắc chắn là vãng sanh rồi, ở trong thuyền đại nguyện của Phật A Di Đà rồi. Đã được cứu vớt rồi, thì có chi mà phải sanh phiền não?…
Tuệ Tâm 2024.
Nguyễn Hồng Hải viết
Con tình cờ đọc được bài viết của Thầy trên mạng và giật mình thức tỉnh,từ trước tới giờ dành rất nhiều thời gian công sức tìm cho mình phương pháp tu tập phù hợp với mình mà con thâý mông lung quá, với tuổi của con thời gian cũng không còn nhiều nữa nên pháp tu này con thấy rất phù hợp với con,con xin tri ân Tam bảo đã tác duyên cho con gặp được pháp tu này.Và con cũng đã bắt đầu được 3 ngày nay.
Thầy hoan hỷ bố thí cho con hỏi là vì nhà cũng chật hẹp nên nhà con vẫn có bàn thờ có cả bát hương thờ Phật cao hơn ở giữa và bát hương gia tiên và quan thổ công thần linh ở hai bên,vậy mùng một ,ngày rằm và giỗ Tết con vẫn có thể thắp hương làm nghi lễ khấn quan Thổ công thần linh và Tổ tiên ông bà được không ạ? Mong Thầy chỉ dạy giúp con ạ,Nam mô A Di Đà Phật>
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Những ngày ấy bạn thắp hương lễ bái bình thường, miễn đừng có cúng đồ mặn là được. Người tại gia tu tập phải thuận theo hoàn cảnh, rộng rãi thì trang nghiêm, chật hẹp thì chỉ chú trọng nơi tâm, chớ chấp hình thức ở bên ngoài, quan trọng ở nơi bạn siêng năng tu tập.