Kinh Đại Duyên Phương Tiện thuộc bộ Trường A Hàm, là bản kinh mà đức Phật giảng về Thuyết Duyên Khởi của mười hai nhân duyên, tức: 1.Vô minh, 2. Hành, 3. Thức, 4. Danh sắc, 5. Lục nhập, 6. Xúc, 7. thọ, 8. Ái, 9. thủ, 10. Hữu, 11. Sanh, 12. Lão tử.
Thuyết Duyên Khởi là gì? Trong Kinh Đức Phật dạy: “Do vô minh, có hành sinh; do hành, có thức sinh; do thức, có danh sắc sinh; do danh sắc, có lục nhập sinh; do lục nhập, có xúc sinh; do xúc, có thọ sinh; do thọ, có ái sinh; do ái, có thủ sinh; do thủ, có hữu sinh; do hữu, có sinh sinh; do sinh, có lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sinh, hay toàn bộ Khổ uẩn sinh. Đây gọi là Duyên khởi.”
Hòa Thượng Thiện Hoa dạy: “Vũ trụ vạn hữu trùng trùng do nhân duyên hòa hợp mà thành. Nói một cách khác, mọi sự vật trong vũ trụ bao la, là một vật nhỏ như hạt bụi, cho đến một vật lớn như trăng sao, đều nương vào nhau, làm nhân làm quả, lớp lớp không cùng tột, dung thông nhau, ảnh hưởng lẫn nhau mà có.
Mỗi pháp, trong vũ trụ không thể tồn tại riêng rẽ, biệt lập mà tự có được. Cái này có là nhờ cái kia, cái kia có là nhờ cái này. Cái này và cái kia tương quan, tương duyên, lớp lớp không cùng tột, cho nên gọi là ”vô tận duyên khởi” hay ”trùng trùng duyên khởi”. Vì là trùng trùng duyên nhau, nên một là hết thảy, hết thảy là một, mọi sự vật trong vũ trụ đều dung thông nhau. “
*
- Thập Nhị Nhân Duyên giảng giải.
- Quy Y Tam Bảo là gì.
- Thiện tri thức là gì.
- Vui Khổ của Kiếp người.
- Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo.
- Cách ngồi thiền tại nhà đúng pháp.
- Người khiêm tốn quỷ thần kính sợ.
*
KINH ĐẠI DUYÊN PHƯƠNG TIỆN
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ
*
Tôi nghe như vầy: Một thời, Phật ở tại nước Câu-lưu-sa, trú xứ Kiếp-ma sa, cùng với đại chúng Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị.
Kinh Đại Duyên Phương Tiện: I. Duyên Khởi
1. Tư Duy của A Nan
Bấy giờ, A-nan ở tại chỗ thanh vắng suy nghĩ: “Kì diệu thay! Hy hữu thay! Ánh sáng của mười hai duyên khởi mà đức Thế Tôn đã dạy thật là sâu xa, khó hiểu! Nhưng theo ý ta quán xét thì như thấy ở trước mắt, có gì mà gọi là sâu xa?”
Rồi thì, A-nan liền rời khỏi tịnh thất đi đến chỗ Phật; đầu mặt lễ chân Phật, rồi ngồi sang một bên, bạch Thế Tôn rằng: “Vừa rồi, ở nơi tịnh thất, con tự thầm nghĩ: ‘Kì diệu thay! Hy hữu thay! Ánh sáng của mười hai duyên khởi mà Đức Thế Tôn đã dạy thật là sâu xa, khó hiểu! Nhưng theo ý ta quán xét thì như thấy ở trước mắt, có gì mà gọi là sâu xa?’”
Bấy giờ, Phật bảo A-nan: “Thôi, thôi, A-nan! Chớ nói như vậy. Ánh sáng của mười hai duyên khởi rất sâu xa, khó hiểu. Mười hai duyên khởi này khó thấy, khó biết. Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, những người chưa thấy duyên, nếu muốn tư lương, quán sát, phân biệt nghĩa lý của nó, đều bị hoang mê không thể thấy nổi.
2. Quan Hệ Các Chi Duyên Khởi
“Này A-nan, nay Ta nói với ngươi: Già-chết có duyên. Nếu có người hỏi: Cái gì là duyên của già-chết? Hãy trả lời người ấy: Sinh là duyên của già-chết. Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của sinh. Hãy trả lời: Hữu là duyên của sinh. Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của hữu? Hãy trả lời: Thủ là duyên của hữu. Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của thủ? Hãy trả lời: Ái là duyên của thủ.
Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của ái? Hãy trả lời: Thọ là duyên của ái. Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của thọ? Hãy trả lời: Xúc là duyên của thọ. Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của xúc? Hãy trả lời: Sáu xứ là duyên của xúc. Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của sáu xứ? Hãy trả lời: Danh sắc là duyên của sáu xứ.
Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của danh sắc? Hãy trả lời: Thức là duyên của danh sắc. Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của thức? Hãy trả lời: Hành là duyên của thức. Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của hành? Hãy trả lời: Vô minh là duyên của hành.
“Này A-nan, như vậy duyên vô minh có hành, duyên hành có thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có sáu xứ, duyên sáu xứ có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có sinh, duyên sinh có già, chết, lo, rầu, khổ, não, tập thành một khối đại hoạn. Đó là duyên của khối đại khổ uẩn vậy.
3. Ý Nghĩa Các Chi.
a. Từ sinh đến Thọ
“Này A-nan, duyên sinh có già-chết: điều này có ý nghĩa gì? Giả sử hết thảy chúng sinh không có sinh, thì có già-chết không?”
“A-nan đáp: “Không.”
“Vậy nên, A-nan, Ta do lẽ đó, biết già-chết do sinh, duyên sinh có già-chết, nghĩa của Ta nói thế đó. “Lại nữa, này A-nan, duyên hữu mà có sinh là nghĩa thế nào? Giả sử hết thảy chúng sinh không có dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu, thế thì có sinh không?”
Đáp: “Không.”
“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết sinh do hữu, duyên hữu có sinh. Điều mà Ta nói, ý nghĩa là ở đó. “Lại nữa, này A-nan, duyên thủ mà có hữu là nghĩa thế nào? Giả sử hết thảy chúng sinh không có dục thủ, kiến thủ, giới thủ, ngã thủ, thế thì có hữu không?”
Đáp: “Không.”
“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết hữu do thủ, duyên thủ có hữu. Nghĩa của Ta nói tại đó. “Lại nữa, này A-nan, duyên ái mà có thủ là nghĩa thế nào? Giả sử hết thảy chúng sinh không có dục ái, hữu ái, vô hữu ái, thế thì có thủ không?”
Đáp: “Không.”
“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết thủ do ái, duyên ái có thủ. Nghĩa của Ta nói tại đó. “Lại nữa, này A-nan, duyên thọ mà có ái, là nghĩa thế nào? Giả sử hết thảy chúng sinh không có cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ không lạc không khổ, thế thì có ái không?”
Đáp: “Không.”
“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết ái do thọ, duyên thọ có ái. Nghĩa của Ta nói tại đó.
b. Chín Ái Bản
“A-nan, nên biết, nhân tham ái mà có tầm cầu, nhân tầm cầu mà đắc lợi, nhân đắc lợi mà thọ dụng, nhân thọ dụng mà tham muốn, nhân tham muốn mà tham chấp, nhân tham chấp mà tật đố, nhân tật đố mà chấp thủ, nhân chấp thủ mà phòng hộ. Này A-nan, do phòng hộ nên mới có dao gậy, tranh cãi, gây vô số điều ác. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Này A-nan, nghĩa đó thế nào? Giả sử hết thảy chúng sinh không phòng hộ thế thì có dao gậy, tranh cãi, gây ra vô số ác không?”
Đáp: “Không.”
“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết dao gậy, tranh cãi là do tâm phòng hộ, nhân bởi tâm phòng hộ mà sinh ra. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại này A-nan, nhân chấp thủ mà có phòng hộ là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sinh không tâm chấp thủ thế thì có phòng hộ không?”
Đáp: “Không.”
“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết có phòng hộ là do chấp thủ; nhân chấp thủ mà có sự phòng hộ. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại nữa, này A-nan, nhân tật đố có chấp thủ là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sinh không có tâm tật đố thế thì có chấp thủ không?”
Đáp: “Không.”
*
“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết chấp thủ do tật đố; nhân tật đố mà có chấp thủ. Nghĩa của ta nói là ở đó. Lại nữa, này A-nan, nhân tham chấp mà có tật đố là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sinh không tham chấp thế thì có tật đố không?”
Đáp: “Không.”
“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết tật đố do tham chấp; nhân tham chấp mà có tật đố. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại nữa, này A-nan, nhân ham muốn mà có tham chấp là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sinh không ham muốn thế thì có đắm trước không?”
Đáp: “Không.”
“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết tham chấp do ham muốn; nhân ham muốn mà có tham chấp. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại nữa, này A-nan, nhân thọ dụng mà có ham muốn là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sinh không thọ dụng thế thì có ham muốn không?”
Đáp: “Không.”
“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết ham muốn do thọ dụng; nhân thọ dụng mà có ham muốn. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại nữa, này A-nan, nhân đắc lợi mà có thọ dụng là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sinh không đắc lợi thế thì có thọ dụng không?”
Đáp: “Không.”
*
“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết thọ dụng do đắc lợi; nhân đắc lợi mà có thọ dụng. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại nữa, này A-nan, nhân tầm cầu mà có đắc lợi là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sinh không tầm cầu thế thì có đắc lợi không?”
Đáp: “Không.”
“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết đắc lợi do tầm cầu; nhân tầm cầu mà có đắc lợi. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại nữa, này A-nan, nhân tham ái mà có tầm cầu là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sinh không tham ái thế thì có tầm cầu không?
Đáp: “Không.”
“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết tầm cầu do tham ái; nhân tham ái mà có tầm cầu. Điều mà Ta nói, ý nghĩa là ở đó.” Lại bảo A-nan: “Nhân tham ái mà có tầm cầu, cho đến có thủ hộ. Thọ cũng vậy. Nhân thọ có tầm cầu, cho đến thủ hộ.”
c. Xúc
Phật lại bảo A-nan: “Duyên xúc mà có thọ, là nghĩa thế nào? Giả sử không có con mắt, không có sắc, không có thức con mắt, thế thì có xúc không?”
Đáp: “Không.”
“Nếu không có tai, không có tiếng, không có thức của tai; không có mũi, không có hương, không có thức của mũi; không có lưỡi, không có vị, không có thức của lưỡi; không có thân, xúc, thức của thân; không có ý, pháp, ý thức, thế thì có xúc không?”
Đáp: “Không.”
“Này A-nan, giả sử chúng sinh không có xúc, thế thì có thọ không?”
Đáp: “Không.”
“A-nan, Ta do nghĩa đó, biết thọ do xúc; duyên xúc mà có thọ. Điều mà Ta nói, ý nghĩa là ở đó. “Này A-nan, duyên danh sắc mà có xúc, là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sinh không có danh sắc, thế thì có tâm xúc không?”
Đáp: “Không.”
“Nếu chúng sinh không có hình sắc, tướng mạo, thế thì có thân xúc không?”15
Đáp: “Không.”
“Nếu không có danh sắc, thế thì có xúc không?”
Đáp: “Không.”
“A-nan, Ta do lẽ đó, biết xúc do danh sắc; duyên danh sắc mà có xúc. Điều mà Ta nói, ý nghĩa là ở đó.
d. Thức và danh Sắc
“Này A-nan, duyên thức mà có danh sắc, là nghĩa thế nào? Nếu thức không nhập thai mẹ thì chừng có danh sắc không?”
Đáp: “Không.”
“Nếu thức nhập thai mẹ rồi không sinh ra, thế thì có danh sắc không?”
Đáp: “Không.”
“Nếu thức ra khỏi thai mẹ mà đứa hài nhi bị hỏng thì danh sắc có được tăng trưởng không?”
Đáp: “Không.”
“A-nan, nếu không có thức, thế thì có danh sắc không?”
Đáp: “Không.”
“A-nan, Ta do lẽ đó, biết danh sắc do thức; duyên thức mà có danh sắc. Nghĩa của ta nói là ở đó. “A-nan, duyên danh sắc có thức là nghĩa thế nào? Nếu thức không trụ nơi danh sắc thời thức không có trú xứ. Nếu thức không có trú xứ, thế thì có sinh, già, bệnh, chết, ưu bi khổ não không?”
Đáp: “Không.”
“Này A-nan, nếu không danh sắc thì có thức không?”
Đáp: “Không.”
*
“A-nan, Ta do lẽ đó, biết thức do danh sắc; duyên danh sắc mà có thức. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Vậy nên, duyên danh sắc có thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có sáu xứ, duyên sáu xứ có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có sinh, duyên sinh có già chết, ưu bi khổ não, tập thành một đại khổ uẩn.
“Này A-nan, trong giới hạn ấy là ngôn ngữ, trong giới hạn ấy là sự thích ứng, trong giới hạn ấy là hạn lượng, trong giới hạn ấy là sự phô diễn, trong giới hạn ấy là trí quán, trong giới hạn ấy là chúng sinh.
“Này A-nan, các Tỳ-kheo nào ở trong pháp này mà như thật chính quán, với tâm giải thoát vô lậu, Tỳ kheo ấy được gọi là tuệ giải thoát. Tỳ-kheo giải thoát như vậy có thể biết Như Lai tồn tại hay không tồn tại sau khi chết, cũng biết Như Lai vừa tồn tại vừa không tồn tại sau khi chết, cũng biết Như Lai chẳng phải vừa tồn tại vừa không tồn tại sau khi chết. Vì sao?
Này A nan, trong giới hạn ấy là ngôn ngữ, trong giới hạn ấy là sự thích ứng, trong giới hạn ấy là hạn lượng, trong giới hạn ấy là sự phô diễn, trong giới hạn ấy là trí quán, trong giới hạn ấy là chúng sinh. Sau khi đã hiểu biết tận cùng, Tỳ-kheo với tâm giải thoát vô lậu, không còn có cái thấy biết về tri kiến như vậy.
Kinh Đại Duyên Phương Tiện: II. Ngã Kiến
“Này A-nan, nói rằng chấp ngã, cho đến mức nào thì được gọi là ngã kiến? Danh sắc và thọ đều được chấp là ngã.
1. Y Cứ Thọ
“Có người nói, ‘thọ không phải ngã, ngã là thọ.’ Có người nói, ‘thọ không phải ngã, ngã không phải thọ; nhưng thọ pháp là ngã.’ Có người nói, ‘thọ không phải ngã, ngã không phải thọ, thọ pháp không phải ngã; nhưng thọ là ngã.’
a. Thọ là Ngã.
“Này A-nan, đối với người thấy có ngã, nói rằng ‘thọ là ngã’, hãy nói với người ấy: Như Lai nói có ba thọ là cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ không lạc không khổ. Trong lúc hiện hữu thọ lạc thì không có thọ khổ, không có thọ không lạc không khổ. Trong khi hiện hữu thọ khổ thì không có thọ lạc, không có thọ không lạc không khổ. Trong lúc hiện hữu thọ không lạc không khổ thì không có thọ lạc, không có thọ khổ.
Sở dĩ như vậy, A-nan, là vì do duyên là xúc lạc mà phát sinh thọ lạc. Nếu xúc lạc diệt mất, thì thọ lạc cũng diệt mất. A nan, do duyên là xúc khổ mà phát sinh cảm thọ khổ. Nếu xúc khổ diệt mất thì thọ khổ cũng diệt mất. Này A-nan, do duyên là xúc không lạc không khổ mà phát sinh thọ không lạc không khổ. Nếu xúc không lạc không khổ diệt mất thì thọ không lạc không khổ cũng diệt mất.
*
A-nan, ví như hai khúc cây cọ lại với nhau thì lửa bật ra; hai khúc cây rời nhau thì lửa không có. Ở đây cũng vậy, nhân bởi duyên là xúc lạc mà thọ lạc phát sinh; nếu xúc lạc diệt thì thọ cũng đồng thời diệt. Nhân bởi duyên là xúc khổ mà thọ khổ phát sinh; nếu xúc khổ diệt thì thọ cũng đồng thời diệt. Nhân bởi duyên là xúc không lạc không khổ mà thọ không lạc không khổ phát sinh; nếu xúc không lạc không khổ diệt thì thọ cũng đồng thời diệt.
Này A-nan, ba thọ đó là hữu vi, vô thường, duyên khởi, là pháp phải tận, phải diệt, là pháp hủ hoại, nó chẳng phải sở hữu của ngã; ngã không phải là sở hữu của nó. Hãy chính quán điều đó một cách như thật với chính trí. A-nan, ai thấy có ngã, cho rằng ‘thọ là ngã’, người ấy sai lầm.
b. Ngã là Thọ
“A-nan, với những ai thấy có ngã, nói rằng, ‘thọ không phải là ngã; (nhưng) ngã là thọ’, hãy nói với người ấy rằng: Như Lai nói có ba thọ: thọ khổ, thọ lạc, thọ không khổ không lạc. Nếu thọ lạc là ngã; khi thọ lạc diệt mất, sẽ có hai ngã. Điều ấy sai lầm. Nếu thọ khổ là ngã; khi thọ khổ diệt mất thì sẽ có hai ngã. Điều ấy sai lầm. Nếu thọ không lạc không khổ là ngã; khi thọ không lạc không khổ diệt, thì sẽ có hai ngã. Điều ấy sai lầm. A-nan, những ai thấy có ngã, nói rằng ‘thọ không phải là ngã; ngã là thọ’, người ấy sai lầm.
c. Ngã có cảm Thọ
“A-nan, với những ai chủ trương có ngã, nói rằng: ‘thọ không phải là ngã; ngã không phải là thọ, thọ pháp là ngã’, hãy nói với người ấy rằng: ‘Hết thảy không thọ, làm sao ông nói được có thọ pháp. Ông là thọ pháp chăng’?
Đáp: ‘Không phải.’
“Vì vậy, A-nan, những ai chủ trương có ngã, nói rằng: ‘thọ không phải là ngã, ngã không phải là thọ; thọ pháp là ngã’, người ấy sai lầm.
d. Ngã không có cảm Thọ
“A-nan, với những ai chủ trương có ngã, nói rằng: ‘thọ không phải là ngã, thọ pháp không phải là ngã; nhưng thọ là ngã”, nên nói với người ấy: ‘Hết thảy không có thọ, làm sao có thọ. Ông chính là thọ chăng?’
Đáp: ‘Không phải.’
Vì vậy, A-nan, những ai chủ trương có ngã, nói rằng: ‘thọ không phải là ngã, ngã không phải là thọ, thọ pháp không phải là ngã; thọ là ngã’, người ấy sai lầm. “A-nan, trong giới hạn ấy là ngôn ngữ; trong giới hạn ấy là sự thích ứng; trong giới hạn ấy là hạn lượng; trong giới hạn ấy là sự phô diễn; trong giới hạn ấy là trí quán; trong giới hạn ấy là chúng sinh.
“A-nan, các Tỳ-kheo ở trong pháp này mà như thật chính quán, với tâm giải thoát vô lậu, A-nan, Tỳ-kheo ấy được gọi là tuệ giải thoát. Với Tỳ-kheo tâm giải thoát như vậy, có ngã cũng được biết, không có ngã cũng được biết, vừa có ngã vừa không có ngã cũng được biết, không phải có ngã không phải không có ngã cũng được biết. Vì sao?
Này A-nan, trong giới hạn ấy là ngôn ngữ; trong giới hạn ấy là sự thích ứng; trong giới hạn ấy là hạn lượng; trong giới hạn ấy là sự phô diễn; trong giới hạn ấy là trí quán; trong giới hạn ấy là chúng sinh. Sau khi biết rõ thấu suốt như vậy, Tỳ-kheo với tâm giải thoát vô lậu không còn biết, không còn thấy tri kiến như vậy.”
2. Y cứ Sắc
Phật nói với A-nan: “Với những người chủ trương có ngã, cho đến giới hạn nào thì được xác định? ”
“Với những người chủ trương có ngã, hoặc nói: ‘Hữu hạn, sắc là ngã’; hoặc nói: ‘Vô hạn, sắc là ngã’; hoặc nói: ‘Hữu hạn, vô sắc là ngã’; hoặc nói: ‘Vô hạn, vô sắc là ngã.’ “A-nan, những người nói hữu hạn, sắc là ngã, xác định rằng ‘Hữu hạn, sắc là ngã: sở kiến của ta là đúng, ngoài ra đều sai.’ Những người nói vô hạn, sắc là ngã, xác định rằng ‘Vô hạn, sắc là ngã: sở kiến của ta là đúng, ngoài ra đều sai.’ Những người nói hữu hạn, vô sắc là ngã, xác định rằng ‘Hữu hạn, vô sắc là ngã: sở kiến của ta là đúng, ngoài ra đều sai.’ Những người nói vô hạn, vô sắc là ngã, xác định rằng ‘Vô hạn, vô sắc là ngã: sở kiến của ta là đúng, ngoài ra đều sai.’”
Phật nói với A-nan: “Có bảy trú xứ của thức, và hai nhập xứ, mà các Sa môn, Bà-la-môn nói: ‘Chỗ này là nơi an ổn, nơi cứu vớt, nơi hộ trì; là cái nhà, là ngọn đèn, là ánh sáng, là nơi quy tựa, là không hư dối, là không phiền não.’
Kinh Đại Duyên Phương Tiện: III. Các Trú Xứ và Giải Thoát
1. Bảy Thức Trụ
“Những gì là bảy? Hoặc có hạng chúng sinh, với nhiều thân khác nhau và nhiều tưởng khác nhau, tức (một phần) chư Thiên và loài Người. Đó là trú xứ thứ nhất của thức, mà các Sa-môn, Bà-la-môn nói: ‘Chỗ này là nơi an ổn, nơi cứu vớt, nơi hộ trì; là cái nhà, là ngọn đèn, là ánh sáng, là nơi quy tựa, là không hư dối, là không phiền não.’
Này A-nan, nếu Tỳ-kheo biết trú xứ thứ nhất của thức, biết sự tập khởi, biết sự diệt tận, biết vị ngọt, biết sự tai hại, biết sự xuất ly, biết một cách như thật; A-nan, Tỳ-kheo ấy nói: ‘Cái ấy không phải là ta. Ta không phải là cái ấy’’ với tri kiến như thật.
*
“Hoặc có hạng chúng sinh với thân đồng nhất nhưng với nhiều tưởng khác nhau, như trời Phạm chúng (thời kiếp sơ mới sinh). Hoặc có hạng chúng sinh có thân sai biệt nhưng tưởng đồng nhất; ấy là trời Quang âm. Hoặc có hạng chúng sinh với thân đồng nhất, tưởng đồng nhất, tức trời Biến tịnh. Hoặc có hạng chúng sinh trú nơi không vô biên xứ. Hoặc có hạng chúng sinh trú nơi thức vô biên xứ. Hoặc có hạng chúng sinh trú nơi vô sở hữu xứ.
Đó là bảy trú xứ của thức mà các Sa-môn, Bà-la-môn nói: ‘Chỗ này là nơi an ổn, nơi cứu vớt, nơi hộ trì; là cái nhà, là ngọn đèn, là ánh sáng, là nơi quy tựa, là không hư dối, là không phiền não.’
Này A-nan, nếu Tỳ-kheo biết bảy trú xứ của thức, biết sự tập khởi, biết sự diệt tận, biết vị ngọt, biết sự tai hại, biết sự xuất ly, biết một cách như thật; A-nan, Tỳ-kheo ấy nói: ‘Cái ấy không phải là ta. Ta không phải là cái ấy’ với tri kiến như thật.
2. Hai Nhập Xứ
“Thế nào là hai nhập xứ? Vô tưởng xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ. A-nan, đó là hai nhập xứ mà các Sa-môn, Bà-la-môn nói: ‘Chỗ này là nơi an ổn, nơi cứu vớt, nơi hộ trì; là cái nhà, là ngọn đèn, là ánh sáng, là nơi quy tựa, là không hư dối, là không phiền não.’ Này A-nan, nếu Tỳ-kheo biết hai nhập xứ, biết sự tập khởi, biết sự diệt tận, biết vị ngọt, biết sự tai hại, biết sự xuất ly, biết một cách như thật; A-nan, Tỳ kheo ấy nói: ‘Cái ấy không phải là ta. Ta không phải là cái ấy’ với tri kiến như thật.
3. Tám Giải Thoát
“A-nan, lại có tám giải thoát. Những gì là tám? Có sắc, quán sắc; giải thoát thứ nhất. Bên trong không có sắc tưởng, quán ngoại sắc; giải thoát thứ hai. Tịnh giải thoát; giải thoát thứ ba. Vượt sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không niệm tạp tưởng, an trú không vô biên xứ; giải thoát thứ tư. Vượt không vô biên xứ, an trú thức vô biên xứ xứ; giải thoát thứ năm. Vượt thức vô biên xứ, an trú vô sở hữu xứ; giải thoát thứ sáu. Vượt vô sở hữu xứ, an trú phi tưởng phi phi tưởng xứ; giải thoát thứ bảy. Diệt tận định, giải thoát thứ tám.
A-nan, các Tỳ-kheo an trú trong tám giải thoát này theo chiều thuận và nghịch, xuất nhập tự tại; Tỳ-kheo như vậy chứng đắc câu giải thoát.”
Bấy giờ, A-nan sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
( Kinh Đại Duyên Phương Tiện – Hết )
Xin chào viết
Tuệ tâm bữa hôm em có bình luận không biết mất đâu tìm không thấy này em hỏi lại nhé ngày xưa chiến tranh các nước xâm lược nước ta, ta phải chống trả và có khi giết họ để bảo vệ đất nước tuy là bảo vệ đất nước nhưng có chịu quả báo của tội giết người không ạ
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Chắc do bạn bình luận không đúng chủ đề, quản trị web họ tưởng spam nên xóa đi đó thôi!
Về thắc mắc của bạn, theo ngu ý của Tuệ Tâm thì đại khái nó thế này: Bởi nhân quả là quy luật của tự nhiên, cho nên vạn pháp thế gian đều không ra khỏi vòng nhân quả. Tất cả các cuộc chiến dù lớn hay nhỏ, đều do sát sanh ăn thịt gây ra. Nhiều đời trước anh giết tôi, ăn nuốt tôi, nay khi nhân quả đã chín muồi, chiến tranh xảy ra thì tôi giết lại anh để báo oán.
Mà phàm đã sát sanh thì dù giết con kiến hay con người, dù vì mục đích cao thượng hay hèn tệ, đều phải chịu quả báo. Ngay cả bậc Thánh Nhân đã Đắc Đạo như Ngài An Thế Cao, lúc quán xét nhân quả thấy còn nợ mạng, vẫn phải an nhiên để cho người ta chém đầu giữa chợ để trả túc nghiệp; đức Phật trong một kiếp vì cứu mạng 500 thương nhân mà giết chủ thuyền, khi nhân duyên chín muồi, Ngài vẫn phải trả cái quả báo ấy…Bởi oan oan tương báo, nên chúng sanh vô thỉ kiếp đến nay trôi lăn trong sanh tử luân hồi, cho nên Phật pháp đề cao tứ vô lượng tâm, lấy nhẫn nhục và tình thương để hóa giải hận thù là như thế!
Xin thường niệm sáu chữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật 🙏 viết
Nam mô A Di Đà Phật 🙏🙏🙏🙏