Kinh Đại Phước Đức hay còn gọi là Kinh Phước Đức. Nguyên tiếng Phạn của Kinh này là Mahamangala sutta. “Maha” nghĩa là “Lớn ; Đại ; To”. “Mangala” nghĩa là “Phước Đức, điều thiện, sự may mắn, phước lành, gia tài tốt”. “Sutta” nghĩa là “Kinh”. Do vậy Mahamangala Mahamangala Sutta được dịch là Kinh Đại Phước Đức hay Kinh Phước Đức.
Kinh Đại Phước Đức thuộc Tiểu Bộ Kinh I trong tạng Pali. Kinh tương đương trong tạng Hán là phẩm Kiết Tường (phẩm thứ 42) của kinh Pháp Cú Thí Dụ. Theo Hòa Thượng Huyền Diệu thì:
“Đây là một trong những đoạn kinh rất quan trọng trong Tam Tạng kinh điển mà Phật Thích Ca đã thuyết pháp độ sanh. Theo truyền thống các nước Phật Giáo, nhất là các nước theo Nam Tông thì Kinh Đại Phước Đức nầy được truyền tụng trong các buổi lễ như là một kinh chú mầu nhiệm. Tu sĩ hoặc Phật Tử thuần thành tin tưởng khi tụng hoặc khi nghe và thực hành kinh nầy thì sẽ gặp được nhiều Phước Đức, nhiều may mắn và tránh được nhiều tai nạn trong cuộc đời. Người chí thành trì tụng và thực hành kinh Đại Phước Đức nầy sẽ được thành công và an lạc dù ở bất cứ nơi nào.”
Xin giới thiệu Kinh Đại Phước Đức và Phẩm Kiết Tường – Kinh Pháp Cú Thí Dụ để bạn cùng rộng đọc.
- Kinh Pháp Cú Thí Dụ Trọn Bộ.
- Cách tụng kinh tại nhà.
- Kinh Lăng Nghiêm.
- Kinh Địa Tạng.
- Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
- Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo.
- Tiêu Tai Kiết Tường Thần Chú.

*
Kinh Đại Phước Đức
Việt Dịch: Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh.
*
Đây là những điều tôi được nghe hồi đức Thế Tôn còn cư trú gần thành Xá Vệ, tại tu viện Cấp Cô Độc, trong vườn Kỳ Đà. Hôm đó, trời đã vào khuya, có một vị thiên giả hiện xuống thăm người, hào quang và vẻ đẹp của thiên giả làm sáng cả vườn cây. Sau khi đảnh lễ đức Thế Tôn, vị thiên giả xin tham vấn Người bằng một bài kệ:
Thiên và nhân thao thức
Muốn biết về phước đức
Để sống đời an lành
Xin Thế Tôn chỉ dạy.”
(và sau đây là lời đức Thế Tôn:)
Lánh xa kẻ xấu ác
Được thân cận người hiền
Tôn kính bậc đáng kính
Là phước đức lớn nhấtSống trong môi trường tốt
Được tạo tác nhân lành
Được đi trên đường chánh
Là phước đức lớn nhấtCó học, có nghề hay
Biết hành trì giới luật
Biết nói lời ái ngữ
Là phước đức lớn nhấtĐược cung phụng mẹ cha
Yêu thương gia đình mình
Được hành nghề thích hợp
Là phước đức lớn nhấtSống ngay thẳng, bố thí,
Giúp quyến thuộc, thân bằng
Hành xử không tỳ vết
Là phước đức lớn nhất*
Tránh không làm điều ác
Không say sưa nghiện ngập
Tinh cần làm việc lành
Là phước đức lớn nhấtBiết khiêm cung lễ độ
Tri túc và biết ơn
Không bỏ dịp học đạo
Là phước đức lớn nhấtBiết kiên trì, phục thiện
Thân cận giới xuất gia
Dự pháp đàm học hỏi
Là phước đức lớn nhấtSống tinh cần,tỉnh thức
Học chân lý nhiệm mầu
Thực chứng được Niết Bàn
Là phước đức lớn nhấtChung đụng trong nhân gian
Tâm không hề lay chuyển
Phiền não hết, an nhiên,
Là phước đức lớn nhấtAi sống được như thế
Đi đâu cũng an toàn
Tới đâu cũng vững mạnh
Phước đức của tự thân.”
( Kinh Đại Phước Đức – Hết )
*
PHẬT THUYẾT KINH PHÁP CÚ THÍ DỤ
Phẩm Bốn Mươi Hai – Phẩm Kiết Tường – Thí Dụ Bảy Mươi Lăm
*
Thuở xưa, Đức Phật trú tại núi Kỳ Xà Quật thành La Duyệt Kỳ vì hang Trời, Người, Rồng, Thần Chuyển Đại Pháp Luân.
Lúc ấy, bên bờ Sông Hằng phía Nam núi có một vị Bà La Môn Ni Kiền. Ông ta là bậc Trưởng Lão kỳ cựu, học rộng hiểu nhiều, đắc được Ngũ thông, hiểu việc xưa nay.
Ông chỉ dạy giáo hóa được năm trăm môn đồ. Họ đều thông đạt thiên văn, địa lý, nhân sự, không môn nào là không nghiên cứu thấu đáo.
Các việc kiết hung họa phước, được mùa mất mùa, họ đều biết trước. Các đệ tử của vị Bà La Môn trước khi Phật Giáo hóa đã biết tu tập, nên sẵn căn lành có thể độ được. Một hôm, họ đưa nhau đến bên bờ sông, tìm chỗ vắng ngồi bàn luận.
Họ tự hỏi với nhau: Dân chúng trong tất cả các nước cho việc gì là kiết tường?
Họ không trả lời được, nên đến chỗ thầy làm lễ chắp tay thưa: Đệ tử chúng con học đạo đã lâu, đều được thành tựu.
Song chưa biết dân chúng trong tất cả các nước cho việc gì là kiết tường?
Bà La Môn Ni Kiền đáp: Lành thay câu hỏi này!
*
Trong cõi Diêm Phù có mười sáu nước lớn, tám mươi bốn ngàn nước nhỏ, nước nào cũng có việc kiết tường, như là vàng bạc, lưu ly, pha lê, minh nguyệt thần châu, voi ngựa, xe cộ, Ngọc Nữ, san hô, kha bối, kỹ nhạc, phụng hoàng, khổng tước.
Hoặc họ lấy nhật nguyệt tinh tú, bình báu, Bà La Môn Đạo Sĩ là điềm báo kiết tường mà họ yêu thích. Nếu họ thấy được những việc trên sẽ hết lời khen ngợi, cho đây là điềm báo kiết tường của nước.
Các đệ tử hỏi: Lại có việc gì đặc biệt kiết tường hơn nữa không?
Nó đối thân có ích, khi mạng chung được sinh lên Cõi Trời.
Bà La Môn Ni Kiền đáp: Từ các bậc Thầy trước truyền dạy lại không có việc này, sách vở cũng không thấy ghi chép.
Các đệ tử thưa: Gần đây nghe nói có người dòng họ Thích Xuất Gia tu đạo, Tọa Thiền sáu năm, hàng phục được ma quân, đạt thành quả Phật, đầy đủ ba minh vô ngại. Chúng ta thử đến hỏi xem sự hiểu biết của ông ta như thế nào, có bằng thầy không.
Kế đó, thầy trò hơn năm trăm người theo đường núi tìm đến chỗ Đức Phật. Đến nơi, mọi người làm lễ rồi ngồi qua một bên.
Bà La Môn Ni Kiền quỳ xuống chắp tay thuật lại mọi việc rồi bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn, các nước đều có việc kiết tường như thế, không biết còn việc gì kiết tường hơn không?
*
Đức Phật bảo với các Bà La Môn: Những điều ông bàn luận chỉ là việc thế gian. Thuận theo thì kiết tường, trái lại thì tai họa, không thể cứu độ tâm linh, chấm dứt khổ não. Pháp kiết tường mà ta biết, người thực hành theo sẽ được phước, ra khỏi hẳn Ba Cõi, an trú Niết Bàn.
Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói kệ:
Phật tôn quý hơn Trời
Như Lai thường diễn nghĩa
Có Đạo Sĩ Phạm Chí
Hỏi sao là kiết tường?
Bấy giờ Phật từ mẫn
Nói yếu nghĩa chánh chân
Tin, vui theo Chánh Pháp
Là tối thượng kiết tường.
Cũng không từ Thiên Nhân
Mong xin điều không đáng
Không cầu đảo Quỷ Thần
Là tối thượng kiết tường.
Chọn bạn hiền ở chung
Thường siêng làm phước đức
Thân trong sạch chân chánh
Là tối thượng kiết tường.
Bỏ ác theo điều thiện
Tránh rượu, biết tiết chế
Không dâm với nữ sắc
Là tối thượng kiết tường.
Học rộng, giữ giới nghiêm
Tinh tấn tu Chánh Pháp
Sửa mình, không tranh chấp
Là tối thượng kiết tường.
Hiếu thảo thờ cha mẹ
Lo gia nghiệp, vợ con
Không để cho nghèo đói
Là tối thượng kiết tường.
Không ngã mạn, tự đại
Tri túc, biết xét suy
Theo thời tụng tập Kinh
Là tối thượng kiết tường.
Thường thích nghe học hỏi
Ưa gặp bậc Sa Môn
Nghe giảng liền thọ trì
Là tối thượng kiết tường.
Trì trai tu phạm hạnh
Thường thích gặp hiền minh
Nương tựa bậc Trí sáng
Là tối thượng kiết tường.
*
Có đức tin, đạo đức
Chánh tâm, không nghi nan
Mong thoát ba ác đạo
Là tối thượng kiết tường.
Tâm bình đẳng bố thí
Phụng thờ bậc Đắc Đạo
Cung kính các Thiên Nhân
Là tối thượng kiết tường.
Thường muốn lìa tham dâm
Sân si vừa khởi tâm
Liền lấy đạo soi chiếu
Là tối thượng kiết tường.
Lìa bỏ việc phi pháp
Siêng năng tu đạo đức
Thường thờ bậc đáng thờ
Là tối thượng kiết tường.
Vì tất cả chúng sinh
Gầy dựng đại từ tâm
Nhân ái giúp an ổn
Là tối thượng kiết tường.
Người trí ở thế gian
Luôn tập hạnh kiết tường
Tự thành tựu tuệ giác
Là tối thượng kiết tường.
Thầy trò Bà La Môn nghe Đức Phật nói kệ xong tự nhiên tỏ ngộ, sinh đại hoan hỷ, đến trước Đức Phật bạch: Bậc Vi Diệu Thế Tôn, ít thấy trên đời. Chúng con từ trước tới nay mê lầm, chưa thấy được nẻo sáng. Nguyện Đức Thế Tôn từ bi tế độ chúng con được Quy Y Tam Bảo, Xuất Gia làm Sa Môn tu học theo Phật.
Đức Phật đáp: Lành thay, hãy lại đây Tỳ Kheo!
Ngay đó, các vị ấy đều thành Sa Môn, tu quán sổ tức đều chứng quả A La Hán. Vô số người nghe pháp chứng được pháp nhãn.
***
Để lại một bình luận