KINH HOA NGHIÊM
Hán Dịch: Ðại Sư Thật Xoa Nan Ðà
Việt Dịch: Hòa Thượng Thích Trí Tịnh
*
KINH HOA NGHIÊM – TẬP 2: PHẨM THĂNG DẠ MA THIÊN CUNG THỨ MƯỜI CHÍN
*
Lúc bấy giờ do thần lực của đức Phật, khắp thập phương thế-giới, trong Diêm-Phù-Ðề và trên đảnh Tu-Di đều thấy Như-Lai ngự giữa chúng-hội. Chư Bồ-Tát thừa oai-thần của Phật mà diễn thuyết diệu-pháp. Tất cả chúng đều cho rằng đức Phật luôn ở trước.
Lúc đó, đức Thế-Tôn không rời cội Bồ-đề và đảnh núi Tu-Di mà hướng đến điện Bửu-Trang-Nghiêm nơi Dạ-Ma Thiên-Cung.
Dạ-Ma Thiên-Vương vọng thấy đức Phật đến, liền dùng thần-lực, nơi giữa điện, hóa ra tòa sư-tử bửu-liên-hoa-tạng trăm vạn từng cấp, trăm vạn lưới vàng, trăm vạn màn hoa, trăm vạn màn tràng-hoa, trăm vạn màn hương, trăm vạn màn báu che giăng trên bửu-tòa. Lọng hoa, lọng tràng, lọng hương, lọng báu đều số trăm vạn bố liệt bốn phía, chiếu sáng với trăm vạn quang-minh.
Trăm vạn Dạ-Ma Thiên-Vương cung-kính đảnh lễ, trăm vạn Phạm-Vương vui mừng hớn-hở, trăm vạn Bồ-Tát xưng-dương ca ngợi, trăm vạn kỹ-nhạc hòa tấu, trăm vạn pháp-âm không dứt tiếng.
Trăm vạn thứ mây hoa, trăm vạn thứ mây tràng, trăm vạn đồ trang-nghiêm, trăm vạn thứ mây y-phục giăng giáp vòng, trăm vạn thứ mây ma-ni chói sáng, từ trăm vạn thiện-căn sanh ra, được trăm vạn Phật hộ-trì, trăm vạn thứ phước-đức làm tăng-trưởng, trăm vạn thâm-tâm và trăm vạn thệ-nguyện làm trang-nghiêm thanh-tịnh, trăm vạn công-hạnh làm sanh-khởi, trăm vạn pháp kiến-lập, trăm vạn thần-thông biến-hiện, luôn vang ra trăm vạn ngôn-âm hiển-thị các pháp.
*
Sắp đặt bửu-tòa xong, Dạ-Ma Thiên-Vương nghinh-tiếp đức Thế-Tôn, chấp tay cung kính bạch đức Phật rằng : ‘Lành thay đức Thiện-Thệ ! Lành thay đức Như-Lai Ứng-Cúng Ðảnh-Chánh-Giác ! Xin từ-mẫn ngự trong cung-điện này.’
Ðức Phật thọ thỉnh, liền ngự lên bửu-tòa. Thập-phương Thế-giới, tất cả Dạ-Ma Thiên-Cung đều như thế cả.
Lúc đó Thiên-Vương liền tự nhớ thiện-căn đã vun trồng nơi chư Phật thời quá-khứ, thừa oai-lực của đức Phật mà nói kệ rằng :
Danh-Xưng Như-Lai khắp mười phương
Trong những cát-tường vô-thượng nhứt
Phật từng vào điện Ma-ni này
Vì thế chỗ này rất cát-tường.
Bửu-Vương Như-Lai đèn thế-gian
Trong những cát-tường vô-thượng-nhứt
Phật từng vào điện thanh-tịnh này
Vì thế chỗ này rất cát-tường.
Hỷ-Mục Như-Lai thấy vô-ngại
Trong những cát-tường vô-thượng-nhứt
Phật từng vào điện trang-nghiêm này
Vì thế chỗ này rất cát-tường.
Nhiên-Ðăng Như-Lai chiếu thế-gian
Trong những cát-tường vô-thượng-nhứt
Phật từng vào điện vô-cấu này
Vì thế chỗ này rất cát-tường.
*
Thiện-Giác Như-Lai không có thầy
Trong những cát-tường vô-thượng-nhứt
Phật từng vào điện bửu-hương này
Vì thế chỗ này rất cát-tường.
Thắng-Thiên Như-Lai đèn trong đời
Trong những cát-tường vô-thượng-nhứt
Phật từng vào điện diệu-hương này
Vì thế chỗ này rất cát-tường.
Vô-Khứ Như-Lai hùng-biện nhứt
Trong những cát-tường vô-thượng-nhứt
Phật từng vào điện phổ-nhãn này
Vì thế chỗ này rất cát-tường.
Vô-Thắng Như-Lai đủ công-đức
Trong những cát-tường vô-thượng-nhứt
Phật từng vào điện thiện-nghiêm này
Vì thế chỗ này rất cát-tường.
Khổ-Hạnh Như-Lai lợi thế-gian
Trong những cát-tường vô-thượng-nhứt
Phật từng vào điện phổ-nghiêm này
Vì thế chỗ này rất cát-tường.
Khắp thập-phương thế-giới, tất cả Dạ-Ma Thiên-Vương đều ca-ngợi công-đức của Phật như vậy cả.
Lúc đức Thế-Tôn vào điện Ma-Ni ngồi kiết-già trên bửu-tòa sư-tử, điện này bỗng rộng-rãi bao-la bằng tất cả chỗ ở của thiên-chúng. Thập phương thế-giới cũng như vậy.
— o0o —
Kim Liên viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Con xin được tri ân Tuệ Tâm đã đăng tải kinh này lên đây. Thực sự con đọc rất khó hiểu (T.T) nên đã tra vì sao kinh này lại khó hiểu đến vậy. Nhân duyên lại tìm được khai thị của Hoà Thượng Tuyên Hoá như sau:
“Bộ Kinh Hoa Nghiêm này ví như biển lớn, còn những kinh khác giống như những dòng sông nhỏ. Những dòng sông nhỏ không thể sánh với biển lớn. Hiện tại trên thế giới, người có thể giảng được Kinh Hoa Nghiêm không phải không có, nhưng số đó đã ít lại càng ít. Nếu nói không có thì nay chẳng phải chúng ta đang giảng đó sao? Thế sao lại có thể nói là không có người! Thậm chí có người học Phật Pháp, học cả một đời mà ngay đến tên Kinh Hoa Nghiêm cũng chưa hề nghe qua, quý vị nói xem người đó đáng thương biết nhường nào! Bộ Kinh Hoa Nghiêm này đừng nói là giảng mà chỉ đọc qua thôi cũng rất ít người đọc qua được một lần. Đọc qua một lần nhanh nhất cũng phải mất hai mươi mốt ngày. Vì thế, bộ kinh này rất khó gặp.”
Thực sự con rất xúc động.
Một lần nữa con xin được tri ân Tuệ Tâm.
Cầu xin chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ cho Tuệ Tâm pháp thể khinh an, thân tâm thường an lạc, Phật đạo viên thành.
Nam mô A Di Đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Kinh Hoa Nghiêm là Bộ Kinh Pháp Giới, huyền lý cao tột cùng trong Phật Pháp. Kinh này duy có bậc Thượng Thượng Căn, giới hạnh tinh nghiêm, tu trì cẩn mật may ra mới hiểu được ít dòng. Còn thì phàm phu như bọn ta chỉ đọc được một bài kệ thôi cũng tốt lắm rồi, phước đức cũng đủ để dùng trong trăm vạn đại kiếp.
Tuệ Tâm cũng thẹn mình nghiệp sâu chướng nặng, có đọc được một ít nhưng thú thực chẳng hiểu được gì. Có lần kiên trì đọc được đến phần Hoa Tạng Thế giới thì chào thua, thấy mình như rơi vào cái hố sâu mênh mông, không thấy đáy…Kinh còn dài lắm, Tuệ Tâm mới đăng được một phần nhỏ thôi, mong rằng sau này khi xong được Phần Bản Nguyện Niệm Phật sẽ có thời gian đăng tiếp!