Trí Giả Đại Sư là hóa thân của Phật Thích Ca. Ngài họ Trần, tên tự Đức An, hiệu Trí Khải, sinh năm 538, viên tịch vào năm 597. Do ngài tu hành ở núi Thiên Thai, sáng lập tông Thiên Thai nên thường được tôn xưng là Thiên Thai Trí Giả Đại Sư.
Cuộc đời và Đạo hạnh của Ngài có vô biên những điều linh dị, trong số đó có việc Quan Vũ ( Quan Vân Trường) đến cầu pháp, quy y, thành bậc Hộ pháp chốn Già Lam. Là bậc Tổ sư của Thiền Tông nhưng khi nghe kinh Vô Lượng Thọ xong, Ngài cảm thán: Bốn mươi tám nguyện, Tịnh độ trang nghiêm, hoa ao sen cây báu, rất dễ đến mà chẳng có ai. Khi tướng địa ngục hiện ra nếu biết hối cải còn được vãng sinh, huống là huân tu giới tuệ để làm sức hành đạo, thật không luống uổng.
Bài viết này được trích nguyên văn từ cuốn Phật Tổ Thống Kỷ. Nguyện người học Phật chân chánh khắp thế gian đọc chuyện về Ngài mà tăng trưởng tín tâm. Và dù bạn có tu Pháp môn nào đi chăng nữa, cũng nên kiêm thêm niệm Phật cầu vãng sanh. Phòng khi chưa đắc Đạo, còn nương nơi Bản Nguyện của đức Phật A Di Đà mà ra khỏi sanh tử luân hồi!
- Cuộc đời& Đạo nghiệp của Hòa Thượng Tuyên Hóa.
- A Nan Tôn giả.
- La Hầu La Tôn giả.
- Ma Ha Ca Diếp Tôn giả.
- Cưu Ma La Thập Pháp Sư.
- Chí Công Thiền Sư thần dị truyện.
- Cuộc đời& Đạo nghiệp của Hòa Thượng Hư Vân.
Thiên thai Trí Giả Đại Sư
Ngài Trí Khải, tự Đức An, họ Trần, đã nhiều đời ở Dĩnh xuyên. Đến triều nhà Tấn lánh loạn ngụ tại Hoa dung ở Kinh châu.( Nay là huyện Công an, phủ Giang lăng.) Cha là Khởi Tổ, thời Lương Nguyên Đế làm chức Tán Kỵ Thường Thị, được phong tước Ích Dương Hầu. Mẹ là Từ Thị nằm mộng thấy khói thơm năm màu quyện bay vào lòng. Lại có lần mộng thấy nuốt con chuột trắng, nhân đó biết mình có thai. Thầy bói bảo: Chuột trắng chính là rồng hóa ra.
Vào đêm Tổ sinh thì ánh thần quang sáng rực.( Năm Đại Đồng thứ tư. Mậu Ngọ đời Lương Võ Đế.) Hàng xóm trông thấy tưởng lửa cháy, đến nơi mới biết là sinh con. Mọi người đều kinh dị, trong ngoài khen ngợi. Họ định bày nhang đèn bánh trái để tổ chức tiệc mừng, thì lửa tắt nước lạnh khiến việc không thành. Sáng đến có hai vị Tăng gõ cửa nói rằng: “Đứa bé này đạo đức hun đúc tất sẽ xuất gia”, nói xong thì biến mất.
Sư có lông mày tám màu. ( Đế Vương Thế Kỷ nói vua Nghiêu đến mười bốn tháng mới sinh, lông mày có tám màu.) Mắt sáng con ngươi đôi, có tướng của bậc Đế vương xưa. ( Hán Thư Hạng Vũ Tán nói vua Thuấn có con ngươi đôi.) Cha mẹ bồng ẵm thường dấu kín không cho người thấy. Khi nằm trong tả thường chắp tay, khi ngồi mặt luôn xây về hướng Tây. Đến bảy tuổi thường thích đến chùa, nhờ chư Tăng dạy đọc miệng phẩm Phổ Môn chỉ đọc một lần thì thuộc làu.
*
Năm mười bảy tuổi, đời Lương Nguyên Đế, Giang Lăng bị thất thủ. ( Lương Nguyên Đế, xưa được phong làm Sương Đông Vương, là con thứ bảy của Lương Võ Đế. Giản Văn Đế bị Hầu Cảnh giết, Nguyên Đế lên ngôi đóng đô ở Giang lăng ba năm chín tháng, rồi bị Tây Ngụy phá. Căn cứ theo lịch mà suy ra thì ứng với năm mười bảy tuổi. Các truyện khác nói mười lăm tuổi là lầm.) Thân thuộc ly tán, Sư ở Trường sa đến trước tượng Phật nguyện làm Sa-môn.
( Thời Tấn Hiếu Võ Đế, ở phía Bắc thành Giang Lăng thấy có ánh sáng năm màu. Sa-môn Đàm Dực nhặt ở đấy một tượng Phật bằng vàng đang phóng quang, có đề hàng chữ Phạm là tượng do vua A-dục tạo, bèn rước về thờ ở chùa Trường sa. Tức nay nói là tượng Phật Trường sa. Chùa ở phía Bắc thành Giang lăng. Xưa cho là Trường sa ở Đàm Châu là lầm. ( Truyện Thiên Nhân cảm Thông nói: Chùa Trường sa ở bờ Bắc Kinh Châu cũng giống đây.)
Một đêm Sư nằm mộng thấy tượng ngọc thò tay vàng vào cửa sổ xoa đầu ba lần. Do đó Sư càng chán cảnh gia đình tù ngục, chỉ mong cầu xuất gia. Tuy vậy, Song thân quá thương không cho đi. Sư bèn khắc gỗ Chiên-đàn, vẽ tượng, mở kho tìm kinh.
Trí giả Đại Sư
Ngay đương lúc lễ Phật thì bàng hoàng như mộng, thấy núi cao ở sát biển, trên đỉnh núi có vị tăng đưa tay ngoắc. Phút chốc lại duỗi tay đến chân núi, tiếp Sư đưa vào một Già Lam thì thấy tượng mình làm ra đã ở đấy. Sư liền khóc lóc trình bày ý nguyện của mình. Bèn học được pháp của ba đời Phật; đối trước Luận sư ngàn bộ mà nói năng vô ngại, dùng đó để đáp đền bốn ân sâu. Vị Tăng lại chỉ tượng bảo Sư rằng: Ông phải ở đây và sẽ chết ở nơi này. Năm đó cha mẹ nối nhau qua đời.
( Xét theo bia Kinh châu nói: Sư muốn đi du phương. Bà mẹ nói: Dành cho cha mẹ món ngon vật lạ, tại sao lại đem cúng cho tà sư để luyện từ tâm, chỉ cỏ tranh hóa thành lúa, chỉ nước hóa dầu? Nay thôn cỏ lúa sông dầu tên hãy còn. Căn cứ vào hai đoạn văn khác nhau này, thì phải là lúc trước khi xin xuất gia và cha mẹ chưa cho. Nay phụ vào để thấy rõ).
Năm mười tám tuổi thì Sư từ giã anh để ra đi. Lúc đó Vương Lâm giữ Tương châu (thuộc Hành châu) theo về. Lâm cho là kẻ cố cựu của Trần Hầu bèn tư cấp đủ pháp cụ. Sư ở chùa Quả nguyện tại quận nhà nương vào cậu ngài là Pháp Chữ mà xuất gia (Phụ Hành nói: Đến xuất gia với cậu ở chùa Quả nguyện). Năm hai mươi tuổi Sư thọ giới Cụ túc. ( Nhằm năm Thái Bình thứ hai đời Lương. Tháng chín năm ấy, Võ Đế nhường ngôi).
*
Lúc đầu Sư theo ngài Tuệ Khoáng học về Luật và cả Phương Đẳng; lại đến núi Đại hiền (phía Nam Hành châu) tụng kinh Pháp Hoa, Vô Lượng Nghĩa, Phổ Hiền Quán. Trải suốt hai tuần tụng thông cả ba bộ tiến tu Phương đẳng thì thắng tướng hiện ra.
Ngài thấy đạo tràng rộng rãi trang nghiêm mà các kinh tượng thì lộn xộn lung tung. ( Đây là chỉ các bộ lộn xộn) thân ở tòa cao mà chân luôn đặt trên giường dây; miệng tụng Pháp Hoa, tay sửa kinh tượng. (Đây là chỉ việc dùng ý chỉ Pháp Hoa để phân biệt thuần hay tạp, khiến quy về một chánh). Khi đã tinh thông Luật tạng, luôn vui thiền duyệt nhưng mãi lẩn quẩn ở Tương đông (ở Hành châu), vì không ai để học hỏi thêm.
Đến năm Thiên Gia thứ nhất đời Trần Văn Đế. (Phụ Hành nói năm Càn Minh là sai. Năm đó Sư hai mươi ba tuổi). Khi đó Tư Thiền sư đang ở tại núi Đại tô, Sư liền đến lễ bái, sư Tư bảo: Ngày xưa ở hội Linh sơn chúng ta cùng nghe Pháp Hoa. Do túc duyên ràng buộc nên nay lại đến đây. Liền bày ra Phổ Hiền đạo tràng và giảng về bốn hạnh An lạc cho nghe.
(Ngài Nam Nhạc viết tập An Lạc Hạnh Nghĩa lâu quá nên quên mất bản. Ngài Tứ minh Hành Kiểu đi du phương đến Nam nhạc thì được kho báu cổ đó, trở về biện luận Viên giáo. Sau đó ở ngọn Bắc phong đã cùng Kiểu Thạch Chi tìm được khai bản đem truyền bá ở đời).
*
Sớm tối đau đáu đúng pháp tìm tâm, xẻ gỗ bách thay hương, bách hết thì dùng gỗ lật. Cuốn rèm ngắm trăng, trăng lặn vội tìm ngọn tòng. Trải suốt mười bốn ngày tụng kinh hết sức tinh tấn. Đó gọi là chân pháp cúng dường Như lai. Bỗng nhiên thâm tâm rỗng vắng mà nhập định, nhân thì tĩnh phát. (Diệu Lạc nói: Viên môn Tam-muội và Đà-la-ni thì thể đồng mà tên khác. Tam-muội do định, Đà-la-ni do tuệ. Còn tĩnh là định, tức là Pháp Hoa Tiền Phương Tiện. Trì là giữ về không, tức Sơ toàn Đà-la-ni). Pháp Hoa sáng rỡ như mặt trời lên cao chiếu vào hang tối, thấu suốt các pháp tướng như gió lộng hư không.
Ngài đem chỗ chứng lên trình thầy thì ngài Nam Nhạc lại khai diễn thêm. Do những sở ngộ của mình và sự nhận biết do hỏi thầy, nên chỉ dốc hết sức trong bốn đêm mà hơn cả một trăm năm. Ngài Nam Nhạc khen rằng: Nếu không là ông thì không chứng, không phải ta thì không biết. Cái định nhập vào đó chính là Pháp hoa Tam-muội Tiền phương tiện vậy. Còn cái phát của trì đó chính là Sơ toàn Đà-la-ni vậy. Giả sử những bậc thầy về văn tự tài nghệ hơn muôn người mà tìm cầu bàn luận của ông cũng không thể bàn cho cùng được. Ông xứng đáng là hàng nói pháp bậc nhất của loài người.
*
( Hễ lên thập trụ là chân tu, Thập tín là phương tiện. Nay nói “Tiền” chính là chỉ cho năm phẩm. Về Sơ toàn Đà-la-ni, tức xoay giả mà nhập vào không. Còn bách thiên vạn ức Đà-la-ni, tức xoay không mà nhập vào giả. Về pháp âm phương tiện Đà-la-ni, là dùng hai quán làm phương tiện để được nhập vào Trung đạo. Đà-la-ni, dịch là Tổng trì.
Nay nói “Sơ Toàn” tức là Không Trì. Đại sư mới nhập định là tiền phương tiện, tức ngôi vị năm phẩm Quán hạnh. Chỗ phát của trì là Toàn Đà-la-ni tức vị tương tợ Thập tín. Y vào nhân định này mà được Phát không trì, là do công của năm phẩm chuyển nhập vào Thập tín. Xưa người ta nói là “dùng năm phẩm thì không thể được Sơ Toàn” ấy là chưa nghĩ rằng Nhân Trì thì tĩnh phát vậy.
Huyền Tiêm nói rằng: “Cố được Đà-la-ni là do sức của Tam-muội” chính là nghĩa này. Đến lúc lâm chung tự nói chỉ là năm phẩm. Bởi muốn khuyên bảo các môn đồ còn sống để nhớ mà tu hành. Đại sư trách đệ tử rằng: Các ông lười gieo trồng thiện căn mà hỏi các công đức khác nếu ta bảo thật thì có ích lợi gì, là ý này vậy. Phải biết với Đại sư hoặc bản hoặc tích đều là bất khả nghị, ngang tầm đẳng giác hay Diệu giác. Lương Thị khen như thế, nay còn luận gì?).
Trí giả Đại Sư
Có Tuệ Mạc Thiền sư đã bảo môn nhân rằng: Pháp hoằng truyền của ta đúng là Sư tử hống, còn các người khác nói chỉ là tiếng kêu của loài Dã can. Sư dẫn kinh hạch vấn thì Tuệ Mạc liền bị khuất phục. Đêm đến nằm mộng thấy ba tầng lầu các, mình thì ngồi trên, Mạc đứng dưới. Có một người trợn mắt giận dữ bảo: Có sợ gì Mạc, pháp có nghi gì hãy hỏi ta. Sư mới hỏi vài điều thì người ấy cứng lưỡi. Sư nhân đó khuyên rằng: Trừ thật tướng các pháp, ngoài ra đều là ma sự.
Ngài Nam Nhạc tạo chữ vàng Bát-nhã bảo Sư giảng thay. Chỉ có ba thứ Tam-muội và ba Quán Trí dùng để xét hỏi, còn thì tất cả đều cắt bỏ. Ngài Nam Nhạc tay cầm cây như ý lên tòa khen rằng: Có thể bảo rằng pháp đã giao cho Pháp Thần thì Pháp Vương rảnh việc.
Lại bảo Sư rằng: Ta ham thích Nam nhạc đã lâu, hận vì pháp chưa có người giao phó. Nay ngươi mới nhận qua môn ấy hãy nên truyền đăng mà độ người, chớ nên làm kẻ sau cùng tuyệt tự. ( Sau cùng là chỉ đời mạt pháp). Sư nghe theo lời dạy không theo thầy đến Nam nhạc. Vào năm Quang Đại thứ nhất nhà Trần, Sư cùng nhóm Pháp Hỷ… hai mươi bảy người mới đến Kim lăng. ( Đây là thời Trần Phế Đế, Sư được ba mươi tuổi. Sở gọi là Kim lăng, Tấn gọi là Kiến khang. Nay là phủ Kiến khang.)
*
Có kẻ tên Pháp Tế tự kiêu căng về thiền học, nằm mà hỏi Sư rằng: Có người nhập định vừa nghe Nhiếp sơn thì đất rúng động, biết ngài Tăng Thuyên luyện về vô thường, vậy đây là thiền gì? (Nhiếp Sơn ở cách Kiến khang bảy dặm, Thuyên Công ở chùa Chỉ quán luyện Vô thường. Văn trích từ Thiền Bí Yếu Kinh, có ba mươi sáu quán môn; đối với địa, thủy, hỏa, phong nhập không mà quán sát, lần lượt sẽ chứng bốn quả).
Sư đáp: Biên định không sâu thì sẽ mịt mờ nhập vào tà thừa, như lấy như nói thì định hư vô ngại.”
Pháp Tế kinh hãi ngồi dậy tạ lỗi rằng: Lão Tăng từng được định này. Trước đây rất linh diệu thì ông nói nhân đây mất hẳn.
Do đó, trong Triều ngoài nội đều nghe tiếng cùng đến thỉnh ích. Năm Đại Kiến thứ nhất (đời Trần Tuyên Đế), quan Nghi đồng là Thẩm Quân Lý mời Sư về Ngõa quan để khai đề kinh Pháp Hoa. ( Tấn Ai Đế đem đất Ngõa diêu ban cho Sa-môn Tuệ Lực lập chùa, nhân đó mà đặt tên. Chùa ở phía Tây thành quay mặt ra sông gọi là chùa Thăng nguyên.)
Vua ra lệnh bãi triều một ngày để các quan đến nghe pháp. Lúc đó các quan như Bộc xạ Từ Lăng, Quan lộc Vương Cố, Thị trung Khổng Hoán; Thượng thư Mao Hỷ, Bộc xạ Châu Hoằng Chánh… đều vâng lời giữ giới pháp, cùng nghe diệu chỉ. Chỉ ở một hạ để mở mang đại nghĩa Phật pháp.
Trí giả Đại Sư
Bấy giờ Bạch mã Kỉnh Thiều, Định lâm Pháp Tế, Thiền chúng Trí Lệnh, Phụng thành Pháp An, là những bậc tài giỏi ở Kim Lăng đều quy phục Sư. Từ đấy Sư giảng cho chúng về Đại Trí Độ Luận và nói thứ lớp thiền môn. ( Ngài Pháp Thận riêng ghi được ba mươi quyển; ngài Chương An sửa lại làm mười quyển – tức là Thiền Ba-la-mật Tiệm Thứ Chỉ Quán). Lại nói cho Mao Hỷ về Lục Diệu Môn ( tức Bất Định Chỉ Quán).
Sư ngụ tại Ngõa quan trước sau tám năm. Đến năm thứ bảy khiển trách môn nhân rằng: Năm đầu ta cùng ngồi đây thì bốn mươi người đắc pháp. Năm kế hơn một trăm người thì không đầy mười người đắc pháp. Sau đó thì đồ chúng càng ngày càng đông mà số người đắc pháp càng ít lại. Ta nghe núi Thiên thai đẹp đẽ được người xưa khen ngợi. Ta định dứt hết các duyên ở trên đỉnh núi ấy cho thỏa chí bình sinh.
Tháng tư, mùa Hạ, vua Tuyên Đế ra lệnh cho ngài ở đấy để hoằng hóa. Từ Lăng khóc lóc khuyên Sư chớ đến. Sư miễn cưỡng ở lại hết mùa Hạ. Đến tháng chín mùa Thu thì Sư vào núi Thiên thai ( Phụ Hành nói năm này Sư ba mươi tám tuổi).
*
Sư có lần ngủ đêm ở Thạch kiều mộng thấy một lão Tăng bảo rằng: “Thiền sư nếu muốn xây chùa thì ở dưới núi có nền cũ chùa Hoàng Thái tử, dùng đó nhờ người cung cấp cho thì ba nước thành một. ( Ba nước đó là Trần Nam triều, Chu Bắc triều và Tề, Thành một tức là nhà Tùy vậy.) Phải người có thế lực lớn mới tạo nên chùa này. (chỉ cho Thái tử Tấn Vương.) Chùa nếu xây xong thì nước thanh bình ngay. Bấy giờ ba phương vững vàng như đỉnh.”
Dù nghe lời nói ấy nhưng do đâu mà Chùa thành? Khi ra khỏi hang thì thấy ở ngọn phía Nam Phật lũng bèn luôn chú ý đến núi này. ( Bài tựa Bách Lục nói kẻ dạo núi nhiều người thấy tượng Phật nên có tên này.) Trước đây ở đó là am của Thần tăng Định Quang ở đã ba mươi năm. Sư đến thì ngài Định Quang bảo rằng: Có nhớ việc vẩy tay dẫn nhau vào chùa… đấy chăng?
Sư liền ngộ và đảnh lễ tượng ấy. Đêm lại nghe trên không trung có tiếng chuông khánh, Quang bảo: Đây là kiền chùy tập họp Tăng chúng được ở đây. ( Kiền chùy là tiếng kêu của tre gỗ đồng sắt). Chỗ này là Kim địa ta đã ở, Bắc sơn là Ngân địa ông nên ở đó. Sư liền ở ngọn Bắc sơn mà xây dựng Già-lam, trồng tùng dẫn nước, rõ ràng như trong giấc mộng xưa.
Trí giả Đại Sư
Ở phía Bắc chùa có ngọn núi khác tên là Hoa đảnh. Sư một mình đến đó tu hạnh Đầu-đà. Chợt vào cuối đêm thì gió mạnh nổi lên sấm sét inh ỏi, ngàn bầy quỷ quái hình thù đáng sợ. Sư an tâm tịch tịnh thì tự nhiên tan hết. Chúng ma lại hiện ra hình cha mẹ Sư Tăng, lúc nằm, lúc ôm nhau buồn thương khóc lóc; nhưng Sư thâm niệm thật tướng thấu suốt thể vốn không thì tất cả liền mất. Dữ dằn dịu ngọt cả hai cách đều không lay động được Sư. ( Đây đều là cách làm của Ma Vương. Các sư tu hành ở cõi này ít người hàng phục được Ma Vương).
Khi sao mai mọc thì thấy có một Thần Tăng bảo: Chế phục thắng được oán địch là kẻ mạnh ( Hai câu này rút từ kinh Tịnh Danh), rồi nói pháp cho nghe.
Sư hỏi: Đại Thánh đã nói pháp môn nào? Phải học thứ gì? Phải hoằng truyền những gì?
Tăng đáp: Đây gọi là một Thật đế, phải học về Bát-nhã, phải hoằng tuyên về đại Bi.
Từ nay trở đi, làm cho mình mà bao gồm cả người khác, ta đều có ảnh hưởng. Cả tám năm Sư an cư tại Phật Lũng.
*
Năm ấy bỗng gặp mất mùa chúng đều tùy ý đi hoặc ở. Sư cùng ngài Tuệ Xước trồng cự và nhặt tượng (Cự lớn hơn hạt mè, tượng là hạt giẻ, hạt cây dịch.) an phận nghèo không lo lắng. Tháng hai năm thứ chín, vua hạ chiếu rằng: Thiền sư là bậc tài giỏi nhất về Phật pháp, là bậc tôn kính của những kẻ tài giỏi đương thời, dạy cả đạo tục, đất nước trông nhờ. Phải cắt bỏ thuế của huyện Thủy phong ( Thời Lục triều gọi Thiên thai là Thủy phong) để sung vào các phí tổn khác; cũng bỏ lệ bắt hai hộ dân phải cung cấp củi nước. Do đó chúng Tăng lại tựu hội về.
Tháng năm năm thứ mười, tả Bộc xạ là Từ Lăng, vì Thiền sư xây chùa nên khải tấu về Triều xin vua ban hiệu là Tu Thiền. (Quan Thượng Thư Mao Hỷ đề chữ Triện nay gọi là Đại Từ).
Viên Tử Hùng ở Trần quận, Dữu Sùng ở Tân giả, hai người cùng lên núi gặp lúc Sư giảng kinh Tịnh Danh, liền chuyên tâm trai giới suốt cả mấy buổi sáng nghe pháp. Hùng thấy trước giảng đường có núi Lưu ly ngời sáng; núi râm mát có khe suối quanh co và hiện ra một cầu vồng; có khoảng mấy mươi phạm Tăng, đều bưng lư hương bước lên cầu vồng đi vào giảng đường. Hùng nói việc ấy với Sùng, Sùng bảo không thấy gì cả. Nhân đó Hùng phát tâm sửa sang lại giảng đường.
Trí giả Đại Sư
Thiên Thai ở gần biển nên dân ở đó chuyên nghề đánh bắt cá. Sư đích thân lấy y phục mình chuộc sở đất để làm ao phóng sinh. Bấy giờ ở Lâm Hải có quan nội sử là Kế Hủ thỉnh Sư giảng kinh Quang Minh. Những ngư dân nghe pháp đều phát tâm hiếu sinh, bỏ việc giết hại; dẹp bỏ sáu mươi ba sở đánh cá ở Giang khê, hơn ba trăm dặm đều thành ao pháp.
Về sau Hủ trở về kinh nhân việc bị tội. Lúc sắp đem hành hình thì xa nghĩ đến Thiền sư, mong một phen cứu giúp. Đêm nằm mộng thấy bầy cá có đến vạn ức con phun bọt ướt đẫm. Sáng hôm sau có chiếu đặc biệt tha tội cho Hủ.
Sư giảng kinh xong liền ngồi thuyền ra cửa biển ngắm núi Phù dung các ngọn cao chót vót, có hòn đá trơ trọi nằm ngang.
Sư bảo: Giấc mộng xưa khi ra biển giống y như cảnh này.
Một hôm thấy có đám mây lành năm sắc sáng như ánh trăng từ trên cao phủ trên mái chùa. Có bầy chim sẻ ồn ào bay đậu dưới hiên chùa. Sư bảo: Đám cá dưới sông hóa thành bầy sẻ vàng bay đến tạ ân đó.
Đến năm Chí Đức thứ nhất ( đời Trần Thiếu Chủ) vua sắc lệnh cho Quốc tử tế tửu là Từ Hiếu khắc bia gỗ làm bài minh để khen công đức ngài. ( văn chép trong Bách Lục).
*
Năm Chí Đức thứ hai, Vĩnh Dương Vương ( Là em họ của Bách Trí Thiếu Chủ.) ra trấn nhậm Đông dương. (Các truyện khác viết là Âu Việt, vì trên một đường nên gọi chung). Ông này ba lần viết thư mời Sư đến ở đó. Sư đích thân tu Phương đẳng, ngày giảng kinh, đêm tọa thiền. Vương và con là Kham cùng người nhà đều tuân giữ tịnh giới. Trần Thiếu chủ hỏi quần thần rằng: Trong cửa Phật hiện nay ai là bậc nổi tiếng nhất?
Từ Lăng tâu: Thiền sư Ngõa quan có thiền đức cao trọng nhất.
Vĩnh Dương Vương đích thân tâu vua: Xin Bệ hạ xuống chiếu mời ngài về kinh đô để hoằng truyền đại pháp.
Vào tháng giêng năm Chí Đức thứ ba, trước sau ba lần vua sắc lệnh sai sứ mời về, nhưng Sư lấy cớ bệnh mà từ chối. ( Ba lần sắc lệnh ghi đủ trong Bách Lục.) Tháng ba lại sắc lệnh cho Châu quận đến thỉnh mời. ( Ở Bách Lục có văn về sắc lệnh Đông dương, vì lúc đó Sư còn ở Đông dương.) Vương khuyên Sư rằng: Chúa thượng đã hạ mình chí kính, vậy xin Sư hãy đến ngay, nếu một lời có ích thì cả muôn dân đều nhờ cậy. Bất đắc dĩ Sư đành phải đi, khi đến Kim lăng tạm ở tại Linh diệu.
Trí giả Đại Sư
Đến tháng tư vua lại vời Sư lên Thái cực điện để giảng về đề luận Đại Trí Độ và đề kinh Nhân Vương Bát-nhã. Khi về chùa vẫn còn giảng tiếp. Lúc đó có bách tòa ở bên trái (tức các Pháp sư cao quý); còn ngũ đẳng ở bên phải (tức năm tước công hầu bá tử nam vậy). Các ngài Tuệ Hoàn, Tuệ Khoáng, Tuệ Biện đều tuân lệnh vua mà vấn nạn. Thiên tử đến ngồi vào chiếu để nghe pháp, bá quan ai nấy đều hết lòng kính quý Sư. Lúc bấy giờ các Tăng Ni phần lớn đều không chuyên tu. Triều đình bàn luận nếu khảo thí kinh luật mà không thông thì đều cho hoàn tục.
Sư can rằng: Ông Điều-đạt mỗi ngày tụng cả vạn lời nhưng không khỏi bị đọa lạc. ( Trí Độ Luận nói Điều-đạt tụng được sáu vạn pháp tụ; cùng vua A-xà-thế tạo tội ngũ nghịch nên lúc còn sống mà đọa ngay vào địa ngục. Đây là việc Đại quyền biến để giáo hóa. Nhưng Đại sư nêu ra đây là ý phương tiện muốn hộ pháp). Ông Bàn-đặc chỉ nhớ có một bài kệ mà chứng được bốn quả. Rốt ráo là đạo, đâu quan hệ ở tụng đọc nhiều, Thiếu Chủ nghe Đại sư nói liền thôi không sát hạch nữa. ( Kinh Pháp Cú Dụ nói ông Bàn-đặc dốt đặc, Phật dạy cho một bài kệ: “Giữ miệng nhiếp ý thân chớ phạm, như thế người tu được thoát tục.” Ông đọc mãi và khoát nhiên khai ngộ chứng được quả A-la-hán.)
*
Sư ở tại Linh diệu cho là quá chật chội. Ngài muốn tìm chỗ yên tĩnh. Chợt mộng thấy một người đứng hầu nghiêm chỉnh tự xưng là Quan Đạt, thỉnh Sư đến ngụ ở Tam kiều.
Sư nói: “Quan Đạt là pháp danh của Lương Võ Đế, còn Tam kiều chính là chùa Quan trạch.”
Thiếu chủ nghe nói liền đón Sư đến ở. Lại xuống chiếu rằng: Trong nước ta trước đây có giảng về Nhân Vương mỗi năm hai tập. Nay cúi mong Sư ở điện Thái cực giảng lại kinh này. Tháng ấy vua đến chùa Quan trạch xả thân làm lễ Đại thí, nghe giảng kinh Nhân Vương đích thân lạy ba lạy. Hoàng hậu là Thẩm Thị xin được đặt pháp danh. Sư đặt tên là Hải Tuệ. Tháng giêng năm Chí Đức thứ tư, Hoàng thái tử xin thọ giới Bồ-tát, từ hàng thái tử trở xuống đều phụng trì giới pháp.
Năm Trinh Minh thứ nhất, ở chùa Quan trạch Sư giảng kinh Pháp Hoa. Lúc đó ngài Chương An đến dự nghe lần hai. ( Văn Cú đề chú: Sư hai mươi bảy tuổi đến tu học ở Kim lăng, nhưng khi ngài sáu mươi chín tuổi thì gò Chu bị sông Trăn cuốn trôi).
Trí giả Đại Sư
Tháng giêng năm Trinh Minh thứ hai, nhà Tùy đánh nhà Trần. Cả Giang nam đều thuộc về nhà Tùy. Vì thời buổi tao loạn chết chóc, Sư chống trượng sách đến Kinh tương ( Trượng có nghĩa là phò giúp. Sách là gậy trúc. Hán Đặng Võ dùng trượng sách đuổi theo Quang Võ. Kinh châu là Hồ bắc, Tương châu là Hồ nam.) giữa đường ghé ở Bồn thành (nay là đất Giang châu gọi là Bồn phố) nằm mộng thấy một lão Tăng bảo rằng: “Hãy kính cẩn giữ gìn tượng ngọc của Đào Khảng.”
Kịp khi đến nghỉ ở Lô sơn thì thấy tượng của hai Sư mới ngộ được sự linh ứng. Bỗng chốc ở Tầm dương có cuộc phản loạn, (tức Giang châu) chùa chiền đều bị đốt phá, chỉ có núi này không bị xâm phạm đến, càng biết sự linh nghiệm của việc giữ gìn tượng. ( Đời Tấn, Đà Khảng coi giữ Quảng châu. Khi đi trên biển vớt được tượng Văn-thù, đem về chùa Hàn khê ở Võ xương. Khảng trở về Kinh châu muốn chở tượng đi, thuyền chìm lại đưa tượng trở về chùa cũ. Viễn Pháp sư tạo cảnh Đông lâm, bưng lư hương hướng về phương ấy cầu nguyện, thì tượng theo gió bay lên không mà đến.).
*
Tháng giêng năm Khai Hoàng thứ mười đời Tùy ( Là năm cả Nam Bắc đều gồm thâu vào một mối.), Tùy Văn Đế xuống chiếu rằng: Hoàng đế kính hỏi Quang Trạch Thiền sư, đối với Phật pháp Trẫm hết lòng kính tín tôn quý. Năm xưa nhà Chu Võ phá dẹp Phật pháp, còn Trẫm thì phát tâm lập nguyện quyết hộ trì; và từ khi lên ngôi đến nay liền phục hưng Tam bảo. Thiền sư đã vượt ngoài cõi tục sửa mình độ người, tất mong khen thưởng hàng Tăng sĩ tiến tu để hưởng dụng ánh sáng của đại đạo. ( Nói Quang Trạch là gọi theo tên xưa.)
Lúc đó Tần Hiếu Vương ra trấn giữ Dương châu (Tần Vương là Dương Tuấn con của Văn Đế, em của Tấn Vương. Lý Tuần nói: Khí ở Giang nam bốc cao là dương.” Là căn cứ vào nghĩa này.) đã viết thư mời Sư đến. Sư bảo sứ giả rằng: “Rất mong gặp nhau, chỉ sợ thiếu duyên.” Quả nhiên suốt mấy tuần gió bão, giặc cướp nổi lên, đường thủy bộ đều nghẽn lối nên việc đi thăm không thành.
Năm Khai Hoàng thứ mười một, Tấn Vương thay làm Tổng quản, ( Tấn Vương là Dương Quảng thay Tần Vương làm Tổng quản Dương châu.) sai sứ đến xin đón ngài về. Sư nói: “Ta với Tấn Vương rất có duyên sâu.” Liền thay áo ngồi thuyền không bao lâu đến nơi. Vương làm bài văn xin ngài truyền giới Bồ-tát.
Trí giả Đại Sư
Sư ba phen từ chối nhưng không được. Bèn giao ước bốn điều:
- Tuy rất thích thiền học nhưng vì hạnh không xứng pháp nên xin chớ dùng thiền pháp tâng bốc nhau.
- Thân chưa hề học tập, lời lẽ thăm hỏi vụng về xin chớ đem phép tắc mà chê trách.
- Vì pháp mà truyền đăng xin chớ trách việc đi ở.
- Nếu chợt nghĩ đến núi rừng xin cho trở về dưa muối chuỗi ngày tàn.
Nếu bốn tâm nguyện được thỏa mãn thì xin tuân chỉ. Khi ấy vì Vương mong được thọ giới nên chấp thuận. Vào ngày hai mươi ba tháng mười một năm ấy, tại đại sảnh đường Tổng quản, Vương thiết lễ trai đãi cả ngàn Tăng để thọ giới Bồ-tát. Sư bảo Vương rằng: “Đại vương đã tuân giữ giới Phật có thể gọi là Tổng trì.”
Vương khen Sư rằng: Đại sư truyền bá pháp tăng của Phật đáng gọi là bậc Trí (sau khi thọ giới, các thư từ đi lại Vương đều xưng là đệ tử Tổng trì). Truyền giới xong Sư ra ở chùa Thiền chúng tại ngoại thành. Lại muốn đi về hướng Tây, Vương cố nài xin Sư ở lại. Sư bảo: Đã có lời giao ước trước đâu thể trái. Vương liền sai Liễu Cố viết thư thỉnh Sư ở lại, đợi đến tháng hai năm sau hẹn đến Thê Hà mà tống biệt.
*
Tháng hai năm Khai Hoàng thứ mười hai, Sư gởi thư đến Vương nhờ làm thí chủ cho hai chùa trên ngọn Đông lâm. Vương viết thư chấp nhận. Đến tháng ba Sư sắp lên đường thì Vương lại gởi thư mời Sư đến Nhiếp sơn để an cư độ hạ, nhưng Sư không chịu. Vương bèn sai quan Hữu Ty trang bị đầy đủ để đưa đi. Sư bèn đến ở tại Lô sơn.
Tháng bảy Vương sai sứ đến Lô sơn thăm hỏi. Tháng tám Sư đến Hành sơn tu tạo công đức để đền đáp ân thầy. Đến tháng mười một Vương đưa thư báo sẽ đến Đàm châu đón rước Sư. Tháng mười hai Sư đến Tuyền hương đáp địa ở Kinh châu định xây dựng phước đình, bèn đến Đương dương ở núi Ngọc tuyền (đất này ở đời Tùy xếp chung vào Kinh châu, đến thời Châu Lương phân ra đặt tên là Kinh môn quận) mà xây dựng tinh xá và trùng tu chùa Thập trụ. Chúng đạo tục thọ giới nghe giảng pháp có hơn năm ngàn người.
Lúc mới đến Đương dương, trông qua núi Thư chương thấy màu xanh biếc, muốn bói xem ở đấy có khe trong để tiện việc lập đạo tràng, chỉ sợ chật hẹp, bèn lên Kim long. Ở đấy cách ao lớn về phía Bắc khoảng hơn trăm bước có một cổ thụ Ta-la rủ tán như hình một cái am, Sư bèn đến đó ngồi kiết già nhập định.
Trí giả Đại Sư: Quan Vũ Quy Y
Một hôm trời đất mịt mù gió bão gào thét dữ dội, yêu quái hóa muôn vạn hình thù, có mãng xà dài hơn mấy trượng há miệng chực nuốt, bọn âm ma bắn tên đá như mưa. Trải suốt bảy ngày đêm Sư không chút sợ sệt.
Ngài thương hại bảo rằng: Việc các ngươi làm chỉ là nghiệp sinh tử, tham đắm chút phước thừa chẳng chịu tự hối.
Nói vừa dứt thì các hiện tượng ma quái đều biến mất. Chiều đó mây tan trăng sáng, thấy có hai người dáng vẻ như hàng vua chúa. Người lớn râu dài phong hậu, người nhỏ đội mão mặt đẹp, đến trước Sư kính cẩn thưa: Tôi là Quan Vũ đời Hán mạt tao loạn, chín châu chia cắt. Tào Tháo bất nhân, Tôn Quyền ích kỷ. Tôi là nghĩa thần của nhà Thục Hán, mong khôi phục dòng vua nhưng thời thế trái ngang, chí lớn không thành nhưng chết thừa oanh liệt, nên được làm chủ núi này. Nay Đại đức Thánh sư vì sao hạ cố đến đây?
Sư đáp: Muốn ở đất này xây dựng đạo tràng để báo đáp ân nghĩa sinh thành.
Quan Vũ nói: Xin ngài thương xót con ngu mê đặc ân thâu nhận làm đệ tử. Cách đây có một dãy núi như chiếc thuyền úp, đất đó rất sâu dày, đệ tử sẽ cùng Tử Bình lập chùa để giảng đạo dạy dỗ, cúng dường, hộ trì Phật pháp mong Sư an tâm tọa thiền.
*
(Tiên Chủ nhà Thục phong Quan Vũ làm Tiền Tướng Quân, dẫn binh đánh Tào Nhân nhưng không thắng trong khi Tôn Quyền đã chiếm cứ Giang lăng. Quan Vũ chạy đến Ngô thì bị Mã Trung bắt với cả Tử Bình, đem chém ở Chương hương. Đường Thư, hồi còn sống Quan Vũ thờ Hán Trung Hưng)
Sau bảy ngày thì mọi việc đều xong. Sư xuất định thấy đầm ao ngàn trượng đã thành đất bằng, nhà cửa đẹp đẽ rực rỡ khác thường, do Quan Vũ đã sai quỷ làm nên mau như thế. Sư bèn lãnh chúng đến ở ngày đêm giảng pháp.
Một hôm Quan Vũ thưa Sư rằng: Đệ tử ngày nay được nghe pháp xuất thế, nguyện rửa tâm đổi ý xin được thọ giới, trọn vì đạo Bồ-đề. Sư liền đốt hương truyền cho năm giới. Do đó oai đức của Quan Vũ chiếu sáng khắp ngàn dặm, xa gần đều kính cẩn cúng tế.
*
(Ngài Trí Giả đến đất Ngọc Tuyền tất phải tâu rõ việc nghe chuyện thần dị. Cho nên Tấn Vương trả lời thư có nói: “Ở Đương dương xây chùa là nói lên ý muốn của Thần, nói rõ lý lẽ lúc còn sống thì nên tâu đủ để vua ban danh hiệu tốt đẹp. Ngài Chương An soạn Biệt Truyện, lược bỏ việc Quan Vũ là do chưa hiểu. Nếu bảo là không nghe biết thì khi ngài Chương An đích thân đến Ngọc Tuyền nghe giảng; bảo là không nói việc thần quái thì khi ngài ở Hoa đảnh tọa thiền, có hai loại ma Cường Nhuyến tất đã nói ra. Huống chi sự tích của Quan Vũ đến nay vẫn còn linh ứng há đâu thời ấy lại bỏ sót sao?
Nay căn cứ vào bia Ngọc Tuyền để bổ sung chuyện Quan Vũ, để nêu rõ Thánh đức của Tổ ta là như thế. Còn như các chuyện kể trong Biệt truyện lời lẽ nhiều mơ hồ, nay xin lượt bỏ bớt đề gần sự thật. Còn các chuyện sách ấy chưa chép nay xin ghi vào để mọi người biết thêm).
Tháng hai năm Khai Hoàng thứ mười ba, Tấn Vương vào triều rồi đến Hiệp châu, sai người đưa thư đến Kinh châu để đón Sư. Vào tháng tư mùa Hạ, Sư ở Ngọc tuyền nói Pháp Hoa Huyền Nghĩa (Chương An nói: Kế ở tại Giang lăng kính mong Huyền Nghĩa là vậy).
*
Trí giả Đại Sư: Cầu mưa
Tháng năm Sư sai ngài Trí Thúy đem thơ đến Tấn Vương dâng lên bản sơ đồ chùa Ngọc tuyền; và xin soạn lời bia của Hành Thiền sư. Nhân đó Vương tặng bộ ca-sa bằng da cây Vạn xuân. ( Do ngoại quốc đã hiến tặng thời Lương Võ Đế).
Vương đáp rằng: Việc phụng chỉ xây chùa ở Đương dương là nêu rõ tâm sự của thần muốn nói rõ lý lẽ lúc còn sống, ( Hai câu này chính là nói việc Quan Vũ cất chùa.) phải tâu đầy đủ để vua ban danh hiệu tốt đẹp. Lúc bấy giờ từ mùa Xuân đến mùa Hạ trời hạn hán không mưa, bá tánh đều bảo là Long vương giận. Sư đến đầu nguồn nước miệng đọc thần chú tay vẩy thì gió mưa kéo đến. Dân chúng mừng vui, ca hát đầy đường.
Vương Tích là Tổng quản Kinh châu vào núi lạy Sư run rẩy toát mồ hôi đầm đìa. Lui ra bảo người rằng: Ta nhiều phen lâm trận gặp nguy càng hăng mà chưa từng sợ sệt như ngày hôm nay! ( Tùy Thư ghi: Vương Thế Tích, sau làm Tổng quản Kinh châu, mưu phản bị tru di.) Tháng bảy Vương đem việc xây chùa tâu vua, vua ban tên là Ngọc tuyền. Tháng tám đệ tử là Trần Tử Tú ở Kinh châu dâng sớ mời Sư giảng kinh Pháp Hoa. Mùa Hạ tháng tư năm Khai Hoàng thứ mười bốn, Sư ở tại Ngọc tuyền nói Ma-ha Chỉ Quán. Mùa Hạ, trong một ngày giảng nói hai thời Pháp Nhũ. ( Đây là căn cứ vào hai thời sáng chiều giảng nói).
Trí giả Đại Sư
Năm ấy ngài qua Nhạc châu, Thứ sử là Vương Tuyên có thỉnh ngài truyền giới pháp Đại thừa. Học sĩ Đàm Kiện thỉnh ngài giảng Kim Quang Minh. Dân ở đấy chuyên nghề săn bắt kịp khi nghe pháp thì được cảm hóa. Do đó một quận, năm huyện hơn ngàn nhà đều bỏ nghiệp sát. Mùa Xuân năm Khai Hoàng thứ mười lăm, Tấn Vương giữ ngài ở lâu tại kinh sư. Khi sắp về Trấn thì sai sứ đến đón rước Sư. Sư ngồi thuyền về miền Đông ngụ tại chùa Thiền chúng ở Dương châu.
Tháng sáu năm đó, Vương gửi thư xin học thiền tuệ, trong thư nói: “Giới là nền tảng, năm xưa kính thọ nhưng định phẩm nhánh thiền bỏ tán loạn trở về tĩnh lặng, chưa biết có thể dạy dỗ được chăng? Sư đáp lời nói hoài bão của mình sớm ở tại Thiên thai. Xưa chuyên một môn ở thiền định, luôn sợ sai lệch bèn thâu hồi thần lực để đợi bậc hiền tăng dạy thêm.”
Sau ba ngày Vương lại viết thư rằng: Thuở xưa ngài Trí Giả ở chùa Ngõa quan thời Trần triều mà nhóm họp đông đảo, ông Tuệ Vinh trước bị bẻ sừng, hai Quỳnh vừa mới được giao hoãn.
*
( Tuệ Vinh ở chùa Tiểu trang nghiêm nói đáp vấn nạn bị thua giống như bị bẻ hết sừng. Hán thư nói: Năm con nai ở các núi bị Chu Vân bẻ sừng, hai Quỳnh tức Bảo Quỳnh ở Bành thành và Bảo Quỳnh ở thời Kiến sơ đều là người thuộc Triều Lương, hoãn tức là cái dàm ở dưới cổ ngựa, khi chiến đấu thì hai ngựa giao kề nhau. Nay hai Quỳnh cùng nghị luận với ngài Trí Giả vừa giao hoãn liền khiến sợ bỏ chạy. Tả truyện nói giao hoãn mà rút lui).
Trước đây Sư đến Kinh châu thì cả danh tăng cựu học không ai không quy phục, không phải thiền là bất trí nghiệm ra đúng thay lời Phật nói (Chỉ Quán Dẫn Kinh nói rằng: Không phải thiền là vô trí, không phải trí là không thiền). Đệ tử ngay trong ngày mà không thỉnh hỏi, như ngài Di-lặc kia nay sẽ hỏi ai. ( Kinh Pháp Hoa nói: Ngài Di-lặc nghĩ rằng: Nay Đức Thế Tôn hiện tướng thần biến, vì sao có điềm lành này? Nay sẽ hỏi ai ai sẽ có thể trả lời…).
Trí giả Đại Sư
Tháng bảy, ngài đem dâng lên Vương quyển một của Bộ Tịnh Danh Nghĩa Sớ vừa soạn xong. Cùng tháng ấy ngài đem việc tạo lập chùa Ngọc tuyền ở Kinh châu và việc sửa chữa chùa Thập trụ mời Vương làm thí chủ bảo trợ. Vương liền viết thư đến Tổng Quản Kinh châu, bảo nên kiểm tra kỹ rồi lại viết thư mời ngài nên ở lại Thê hà để được thưa hỏi việc tu hành. Cốt được an tâm khỏi phải lên chốn Thiên thai xa xôi. Mong ngài Từ bi giúp con được thỏa nguyện.
Sư viết thư đáp rằng Thê hà dù chỉ một thước tấc cũng chẳng quan hệ chi với bản nguyện, bởi Thiên thai là đất ở trọn đời. Cho nên thường dặn dò đệ tử rằng: Một mai vô thường thì xin đem hài cốt về chốn Thiên thai. Xưa nguyện sáng lập Già-lam cho nên muốn xin sửa sang lại, mới xin tên chùa mà quỵ lụy kẻ đàn-việt.
Vương đáp lời hứa nhận cả. Đến tháng tám, Sa-môn Bảo Cung ở chùa Thê hà tại Tưởng sơn kính dâng ruộng vườn và cả Bản tự mời Sư đến ở nhưng Sư không đi. Tháng chín, Vương đón Sư vào Thành, khi vào yết kiến thì Sư khẩn thiết tạ từ xin trở về Đông, Vương không dám giữ lại. Sư bèn ra đi.
*
Để lại một bình luận